Multimedia Đọc Báo in

Có hay không việc lạm thu đầu năm tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm?

08:41, 20/10/2022

Báo Đắk Lắk nhận được ý kiến bạn đọc thắc mắc việc thực hiện các khoản thu tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột, trong đó có một số khoản thu tự nguyện, khoản thu đối ứng xây dựng 8 phòng học K8. 

Về vấn đề này, đại diện Trường THCS Đoàn Thị Điểm thông tin, nhà trường đã thực hiện thông báo về việc thu các khoản thu trong nhà trường năm học 2022 – 2023 tới toàn thể phụ huynh, căn cứ vào hướng dẫn của các cấp về thực hiện các khoản thu đầu năm học và kế hoạch năm học 2022 - 2023 của trường; biên bản và sự thống nhất trong cuộc họp Ban Chấp hành Hội Cha mẹ học sinh và cuộc họp phụ huynh toàn trường ngày 18/9/2022.

Ông Trần Mậu Hòa, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho biết, khoản thu đối ứng 8 phòng K8 được trường thực hiện theo Công văn số 536/UBND-KT ngày 7/9/2022 của UBND phường Tân Thành về việc tiếp tục thu huy động dự án “Nhà lớp học 8 phòng, Trường THCS Đoàn Thị Điểm”. Theo công văn này, Dự án được UBND TP. Buôn Ma Thuột phê duyệt chủ trương đầu tư (Quyết định số 7587/QĐ-UBND, ngày 16/10/2019) với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố 90% (4,05 tỷ đồng), huy động nguồn hợp pháp khác 10% (450 triệu đồng). Giá trị phê duyệt quyết toán công trình là 4.415.637.000 đồng, trong đó ngân sách thành phố 90% là 3.974.073.000 đồng; huy động nguồn hợp pháp khác 10% là  441.564.000 đồng.

Công trình 8 phòng học cần thực hiện thu đối ứng 10% tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm.

Việc huy động nguồn xã hội hóa rất khó khăn, do đó khi phường giao thu vốn đối ứng 10% trường buộc phải thu từ phía học sinh - người trực tiếp hưởng lợi từ công trình. Năm 2020 đã thu 222.500.000 đồng, năm 2021 thu 39.900.000 đồng, tính đến ngày 9/6/2022 đã huy động được 262.400.000 đồng. Số tiền còn lại là 179.164.000 đồng được UBND phường giao cho trường tiếp tục  huy động trong năm học 2022 - 2023.

Năm học 2022 - 2023, trường có 1.241 học sinh, dự kiến sẽ miễn giảm cho 80 học sinh là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn đột xuất... Còn lại, khoản thu đối ứng được nhà trường thực hiện như sau: khối lớp 6 là 250.000 đồng/em, khối lớp 7 là 200.000 đồng/em, khối lớp 8 là 150.000 đồng/em, khối lớp 9 là 50.000 đồng/em (tương ứng số tiền dự kiến thu là 183,15 triệu đồng, cao hơn so với số tiền cần phải thu do thực tế huy động các năm học trước ít hơn kế hoạch đề ra vì có một số học sinh không nộp).

Về một số khoản thu khác được lý giải như sau: Khoản thu Quỹ khuyến học 30 nghìn đồng được chi cho các hoạt động khuyến học của trường (trao phần thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc giữa kỳ, cuối năm học...). Khoản Smas (Hộp thư điện tử quản lý điểm) được thu theo hình thức tự nguyện để giáo viên nhắn tin, trao đổi thông tin cho từng phụ huynh và đồng bộ với hệ thống quản lý điểm của nhà trường, được nhà trường thực hiện nhiều năm nay. Đây là khoản thu tự nguyện, phụ huynh đóng sẽ được cập nhật thông tin thường xuyên, phụ huynh không đóng thì không được cập nhật điểm các bài kiểm tra trong năm học. Lý do không sử dụng Zalo nhóm lớp để thông báo điểm là để bảo đảm sự riêng tư về điểm cho học sinh.

Về khoản thu Quỹ Hội phụ huynh, Ban đại diện cha mẹ học sinh nhờ trường thu và giữ hộ với số tiền 150.000 đồng/học sinh, tương ứng 178,65 triệu đồng (thu 1.191 học sinh, còn 50 học sinh được miễn giảm), được chi cho các hoạt động: khen thưởng học sinh giỏi các cấp, khen thưởng các phong trào, hỗ trợ học sinh dự thi các kỳ thi học sinh giỏi, hỗ trợ các hoạt động phong trào như Hội khỏe Phù Đồng, Giai điệu tuổi hồng, giải bóng đá mini cho học sinh, sinh hoạt 26/3, chi thăm hỏi học sinh và một số khoản khác.

Như vậy việc thu đầu năm tại trường cơ bản bảo đảm quy định đề ra. Riêng về trường hợp giáo viên in sẵn danh sách khoản thu, số tiền cụ thể ở khoản thu tự nguyện để phát cho phụ huynh ký và thu tiền ngay tại chỗ, ông Trần Mậu Hòa cho rằng làm như vậy là sai, trường sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.