Multimedia Đọc Báo in

Đường thi công dở dang vì nhà thầu bất ngờ rút lui

08:09, 19/10/2022

Sau 2 tháng triển khai, tuyến đường giao thông liên xã Đắk Liêng – Đắk Phơi (huyện Lắk) thi công dở dang do nhà thầu “rút” hết máy móc, thiết bị.

Công trình “đắp chiếu” gần một năm

Dự án Cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã Đắk Liêng – Đắk Phơi được UBND huyện Lắk phê duyệt tại Quyết định số 644/QĐ-UBND ngày 22/3/2021. Công trình có chiều dài gần 1,9 km, bề rộng nền đường 6,5 m, mặt đường được làm bằng bê tông xi măng, vận tốc thiết kế 30 km/giờ. Công trình do Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng huyện Lắk làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 7,7 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư và dự kiến bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện dự án. Ngày 28/10/2021, chủ đầu tư ký Quyết định số 433/QĐ-QLDA về việc phê duyệt kết quả đấu thầu thi công xây lắp công trình Cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã Đắk Liêng – Đắk Phơi, hạng mục nền, móng, mặt đường và công trình thoát nước, với giá trị hơn 6,2 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Tư vấn và xây lắp Nam Sơn (gọi tắt là Công ty Nam Sơn), có địa chỉ tại khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Hợp đồng được ký theo hình thức trọn gói, thời gian thực hiện là 240 ngày, kể từ ngày ký quyết định.

Công trình đường giao thông liên xã Đắk Liêng - Đắk Phơi thi công dở dang, một nửa mặt đường đã được bê tông, nửa còn lại đá dăm.

Tuy nhiên, khi mới triển khai thi công được khoảng 20% khối lượng (chiều dài 400 m phía bên trái tuyến), đoạn tiếp giáp với xã Đắk Phơi thì nhà thầu bất ngờ “rút” máy móc, thiết bị, để lại công trình dở dang khiến người dân bức xúc. Ông Y Kim Hđơk, buôn Dranh A, xã Đắk Liêng cho biết, cuối năm 2021 khi thấy máy móc, thiết bị đến làm đường nối xã Đắk Liêng và Đắk Phơi, ông và nhiều người dân khác rất vui mừng vì tuyến đường hằng ngày nhiều người dân lưu thông qua lại được cải tạo, nâng cấp. Nhưng không hiểu vì lý do gì từ đầu năm nay không thấy máy móc tập kết làm đường nữa.

Còn bà Ngô Thị Thủy, buôn Dranh B bức xúc, nhà bà buôn bán hàng tạp hóa hơn 20 năm nay, khi hay tin sửa tuyến đường nối xã Đắk Liêng với Đắk Phơi, bà đã rất kỳ vọng vì sau khi tuyến đường hoàn thành người dân sẽ đi lại thuận lợi hơn, hoạt động buôn bán của gia đình bà cũng được thuận tiện. Tuy nhiên, cuối năm 2021 thấy máy móc, công nhân đến làm đường, người dân ở hai xã nói riêng và vùng lân cận chưa kịp vui thì sau Tết lại không thấy máy móc đâu nữa. Đường làm dở dang, mưa xuống thì lầy lội, ổ gà, ổ voi, mùa khô thì bụi mịt mù. Sau gần một năm vẫn không thấy máy móc về làm đường, không biết bao giờ con đường này mới hoàn thành cho người dân được nhờ.

 

Mục tiêu của Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã Đắk Liêng – Đắk Phơi nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản, giao lưu văn hóa trong vùng, đặc biệt là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như xã Đắk Liêng và Đắk Phơi.

Quan sát thực tế cho thấy, phía đầu tuyến, đoạn ngã ba vị trí giao nhau giữa tuyến đường này với Quốc lộ 27, mặt đường bong tróc hết lớp nhựa cũ, tạo thành một hố sâu. Mùa mưa đến nước choán hết đường, người dân, phương tiện đi qua đây rất nguy hiểm. Còn tại điểm cuối của công trình, khoảng 400 m mặt đường phía bên trái tuyến đã được nhà thầu đổ bê tông, trong khi nửa bên phải tuyến vẫn là hiện trạng nền đường cũ và rất nhiều đá dăm, hai bên tuyến chênh nhau về độ cao nên việc lưu thông cực kỳ khó khăn.

Lý do nhân sự mắc COVID-19!?

Sau nhiều tháng tạm dừng thi công, đến ngày 7/7/2022, nhà thầu gửi Công văn số 0707/KH-KT về việc đề nghị thanh lý hợp đồng Gói thầu xây lắp thuộc công trình cải tạo, nâng cấp đường liên xã Đắk Liêng – Đắk Phơi (gọi tắt là Gói thầu xây lắp). Công văn này nêu: "Do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cả năm 2021 và kéo dài sang đầu năm 2022 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty Nam Sơn chúng tôi. Trong đó có việc thực hiện thi công Gói thầu xây lắp bị chậm tiến độ vì những điều kiện bất khả kháng như: Nhân sự thực hiện gói thầu bị mắc COVID-19 nặng phải nghỉ việc để điều trị dài ngày, nguồn vốn lưu động thực hiện gói thầu cạn kiệt do ngân hàng không cho vay và một số yếu tố bất khả kháng khác nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty, dẫn đến việc không thể tiếp tục thi công Gói thầu nêu trên. Vì vậy Công ty đề nghị chủ đầu tư xem xét cho Công ty thanh lý hợp đồng số 09/2021/HĐ-TCXD theo quy định".

Người dân khó khăn khi di chuyển qua đoạn đầu tuyến đường liên xã Đắk Liêng - Đắk Phơi.

Về phía chủ đầu tư, đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Lắk cho biết, sau khi nhận được đơn của Công ty Nam Sơn, đơn vị đã tiến hành rà soát, chốt khối lượng và xin chủ trương thanh lý hợp đồng với nhà thầu. Đồng thời có văn bản đề nghị điều chỉnh lại đơn giá, kế hoạch thi công và phê duyệt lại hồ sơ mời thầu để tiến hành đấu thầu lại. Đến trung tuần tháng 10/2022, chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu 958 triệu đồng/1,1 tỷ đồng khối lượng do Công ty Nam Sơn thực hiện thực tế.

Trên cơ sở đề xuất của Ban QLDA, UBND huyện Lắk đã có văn bản về việc thống nhất điều chỉnh lại tổng mức đầu tư công trình theo hướng giảm trừ công tác xây lắp, nhưng không làm tăng tổng mức. Cụ thể, cắt bỏ một số hạng mục không phù hợp (không thi công cống tại vị trí đầu tuyến). Lý do ở điểm này thuộc phạm vi Quốc lộ 27 và không có rãnh thoát nước, thi công cống không phát huy hiệu quả. Đồng thời, giao chủ đầu tư chịu trách nhiệm xử lý đối với nhà thầu thi công xây dựng đơn phương chấm dứt hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.