Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng với bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ

08:48, 02/10/2022

Bệnh tiêu chảy là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Biến chứng thường gặp của bệnh là suy thận cấp, làm mất nước và muối trong cơ thể dẫn đến suy dinh dưỡng, trụy mạch dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, tiêu chảy được phân chia 4 cấp độ khác nhau dựa trên các đặc điểm về thời gian mắc bệnh, cơ chế bệnh, độ nghiêm trọng của bệnh và đặc điểm của phân như: phân có nhiều nước, sủi bọt, nhầy máu hay có chất béo…, bao gồm: tiêu chảy cấp tính, mãn tính, thẩm thấu và xuất tiết.

Bệnh tiêu chảy cấp tính là loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học. Bệnh xuất hiện đột ngột, trẻ đi phân lỏng nhiều nước, số lần đi nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ, thường kéo dài 1 tuần. Nguyên nhân do thức ăn không phù hợp hoặc do nhiễm khuẩn thực phẩm, trong đó vi rút rota là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa đến tính mạng của trẻ dưới 2 tuổi. Tại khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhi từ 2 tháng tuổi đến 5 tuổi nhập viện trong tình trạng nôn ói và đi tiêu phân lỏng. Như trường hợp của bé Lan Trinh (8 tuổi, ở phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) bị nôn ói và tiêu chảy nhiều lần trong ngày, gia đình đã đưa bé đi cấp cứu. Sau 3 ngày điều trị tại khoa Nhi tổng hợp, hiện tại tình trạng của bé đã tốt lên, giảm số lần đi cầu phân lỏng, không còn nôn ói. Tương tự, cháu Giàng Ý Chí (12 tháng tuổi, ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) cũng nhập viện trong tình trạng sốt cao và nôn ói nhiều, đi tiêu phân lỏng. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị kiết lỵ.

Bệnh nhi bị tiêu chảy được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đình Thi

Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, hậu quả của tiêu chảy cấp là mất nước điện giải có thể gây tử vong. Do đó, dinh dưỡng cho bệnh nhân tiêu chảy cấp có vai trò quan trọng góp phần rút ngắn quá trình điều trị. Ưu tiên hàng đầu là bù nước và chất điện giải, cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Người bệnh nên ăn các món ăn dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như súp, cháo. Uống nhiều nước như nước trắng, nước canh, nước cháo, sữa chua, nước dừa tươi… Trẻ còn bú mẹ tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ.

Ngay khi phát hiện trẻ bị tiêu chảy cấp cần theo dõi sát sao việc đi cầu của trẻ bao gồm số lần đi cầu, tình trạng phân, số lượng phân mỗi lần và biểu hiện của trẻ. Nếu số lần đi cầu ngày càng nhiều kèm theo việc trẻ không ăn uống, môi khô, sốt cao, nôn, mặt tái nhợt, người lả đi... cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để thăm khám và điều trị để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.