Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới

07:47, 14/10/2022

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò cầu nối trong việc giúp hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Xây dựng hạ tầng nông thôn

Xác định rõ vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch với những nội dung thực hiện cụ thể gắn với các phong trào thi đua của tổ chức Hội và triển khai rộng rãi trong hội viên, nông dân.

Các cấp Hội vận động hội viên, nông dân tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp, làm mới đường giao thông nông thôn, xây dựng đường điện sáng, nhà văn hóa thôn, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, hệ thống tường rào; tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vệ sinh đồng ruộng, phân loại và xử lý rác hữu cơ thành phân bón, xây dựng cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn...

Từ năm 2018 đến nay, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã trực tiếp vận động và phối hợp vận động đóng góp trên 115 tỷ đồng, hơn 493.000 công lao động, hiến 242.549 m2 đất, 136.000 cây cối các loại… để làm mới, tu sửa, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, kênh mương và các công trình dân sinh khác.

Hội viên nông dân xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) đóng góp ngày công làm sân nhà sinh hoạt cộng đồng.

Sinh sống ở thôn 3, xã Hòa An (huyện Krông Pắc) hơn 20 năm nên bà Nguyễn Hạnh Chi thấu hiểu nỗi vất vả khi hằng ngày đi lại trên con đường nhỏ hẹp, mùa nắng thì bụi mù, mùa mưa thì trơn trợt.

Năm 2019, Nhà nước có chủ trương xây dựng, mở rộng tuyến đường chính của thôn để việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân thuận lợi hơn, bà Chi đã chủ động hiến 3.300 m2 đất và 45 triệu đồng để tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, đồng thời đề xuất với Hội Nông dân xã vận động các hộ dân sinh sống trên đoạn đường nội thôn cùng đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn.

 

“Hội Nông dân luôn xác định phải là cầu nối để kết nối giữa nông dân với các ngành, liên kết hợp tác bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, nhằm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân, tham gia phát triển nông nghiệp và công cuộc xây dựng NTM, đô thị văn minh”-Lại Thị LoanChủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Đồng lòng trong xây dựng NTM, hội viên nông dân Chi hội thôn 6, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) đã đóng góp 650 triệu đồng, 440 ngày công lao động tham gia tu sửa và làm 1.771 m đường bê tông nông thôn, 4 cụm đèn đường với chiều dài 1,5 km, kéo mới 320 m đường dây hạ thế, 12 loa phóng thanh đảm bảo thông tin đến trên 90% người dân trong thôn.

Hay hội viên nông dân xã Buôn Tría (huyện Lắk) đã hiến 42.400 m2 đất các loại và đóng góp tiền, công trị giá 5 tỷ đồng để tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn…

Phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho hội viên

Trong xây dựng NTM, các cấp Hội Nông dân đặc biệt chú trọng tiêu chí về phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống cho hội viên nông dân. Ngoài việc vận động nông hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân các cấp còn tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, giới thiệu vay vốn, việc làm và đào tạo nghề cho các hội viên, nông dân.

Qua đó đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Tiêu biểu như gia đình ông Đào Văn Minh ở thôn 7, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) có hơn 1 ha cà phê liên kết với Công ty Cà phê Ea Tiêu. Do cà phê trồng từ những năm 1980 năng suất thấp nên kinh tế gia đình rất khó khăn.

Năm 2016, nhờ tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng do Hội Nông dân xã tổ chức, ông Minh đã áp dụng vào cải tạo vườn cây của gia đình. Ông đã tái canh cà phê, đồng thời đầu tư trồng xen tiêu, sầu riêng, bơ và nhiều loại cây ăn quả khác.

Năm nay, 70 cây sầu riêng trồng đợt đầu của gia đình ông đã cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả, cùng với nguồn thu từ các cây trồng khác mang về lợi nhuận cho gia đình trên 1 tỷ đồng.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình sản xuất của nông dân xã Ea Tir, huyện Ea H'leo.

Hay mô hình sản xuất và chế biến cà phê, hồ tiêu và đại lý cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của bà Lương Thị Oanh (Chi hội nông dân thôn 6, xã Ea Wy, huyện Ea H’leo) cho thu nhập ổn định hơn 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 16 lao động với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, bà Oanh còn hỗ trợ cho 105 nông hộ tại địa phương ứng giống cây, con các loại và vật tư để xây dựng mô hình kinh tế và phát triển sản xuất hiệu quả.

Ông Chu Thế Tráng (Chi hội nông dân buôn D’ho, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) cũng là một trong những nông dân sản xuất giỏi ở địa phương với mô hình kinh tế trồng hồ tiêu, cà phê và dịch vụ tổng hợp. Với lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm, mô hình kinh tế của ông Tráng giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ.

Nhờ cụ thể hóa phong trào bằng nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, số lượng nông hộ đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp gắn với ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn năm sau luôn cao hơn năm trước và đạt 70% so với số hộ nông nghiệp. Bình quân hằng năm, toàn tỉnh có 106.718 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 55% so với tổng số hộ đăng ký thi đua.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.