Phụ nữ Ea M’nang thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea M’nang (huyện Cư M'gar) hiện có trên 1.400 hội viên tham gia sinh hoạt tại 8 chi hội. Những năm qua, Hội LHPN xã luôn chú trọng các hoạt động khuyến khích hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, vươn lên phát triển kinh tế.
Là địa bàn thuần nông, đời sống của người dân xã Ea M’nang chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng như: cà phê, hồ tiêu, lúa nước và các loại cây hoa màu. Trước đây, phần lớn gia đình hội viên phụ nữ chỉ trồng độc canh cây cà phê nên thu nhập bấp bênh do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, giá cả.
hằm hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội LHPN xã đã vận động chị em ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; thành lập các tổ vay vốn tiết kiệm để giúp nhau vốn sản xuất; phối hợp trao các mô hình sinh kế cho các hội viên nghèo, cận nghèo… Các hoạt động từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp chị em cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Chị em phụ nữ xã Ea M'nang chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc cây cà phê. |
Đơn cử như gia đình chị Trần Thanh Huyền, hội viên phụ nữ thôn 8 có 2 ha đất sản xuất, trước đây chị chỉ trồng độc canh cà phê, sau đó trồng xen thêm 400 trụ hồ tiêu. Khi giá hồ tiêu trên thị trường cao thì gia đình chị có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên những năm gần đây, khi giá tiêu giảm mạnh, thu nhập của gia đình chị bị ảnh hưởng rõ rệt.
Chị Huyền đã bàn bạc với chồng chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, học tập, tìm hiểu kinh nghiệm và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Năm 2017, gia đình chị Huyền đã mạnh dạn tái canh 5 sào cà phê già cỗi trồng sang giống cà phê vối TR11, đồng thời đầu tư trồng xen trong vườn cà phê thêm 100 cây bưởi da xanh, 100 cây na và 130 cây sầu riêng giống Dona.
Gia đình chị Huyền còn đào ao nuôi cá với diện tích mặt nước khoảng 1.500 m2 và nuôi thêm dê, gà để cải thiện thu nhập. Hiện nay sau khi trừ chi phí gia đình chị có thu nhập ổn định trên 300 triệu đồng.
Tương tự, gia đình chị Đỗ Thị Dữ (ở thôn Bình Hòa) cũng có thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng mỗi năm nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Với 2 ha đất sản xuất, trong đó có 4 sào ruộng lúa, trước đây diện tích còn lại chị Dữ trồng độc canh cà phê.
Khi thấy cà phê không mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2013 gia đình chị chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, vài năm sau toàn bộ diện tích hồ tiêu của gia đình bị nhiễm bệnh chết hàng loạt.
Năm 2015 gia đình chị đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò giống siêu thịt. Lần này, nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất đúng hướng, lại biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nên đàn bò của gia đình chị phát triển nhanh, từ 4 con bò giống ban đầu đến nay đã tăng lên 20 con, trong đó có 13 con bò cái sinh sản. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, chị trồng 6 sào cỏ và 1 ha đất còn lại trồng ngô lai để cải thiện thu nhập.
Chị Phạm Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea M’nang đánh giá: “Với nhiều hoạt động hỗ trợ, hiệu quả của tổ chức Hội, cùng sự năng động, sáng tạo và phù hợp trong phát triển kinh tế của chị em nên nhiều gia đình hội viên thoát nghèo, có tích lũy tái đầu tư sản xuất và vươn lên làm giàu. Đến nay xã Ea M'nang chỉ còn 14 gia đình do hội viên làm chủ hộ thuộc diện hộ nghèo, giảm 13 hộ so với năm 2015”.
H’Xiu Êban
Ý kiến bạn đọc