Bản Vân Kiều ở cửa khẩu quốc tế Việt - Lào
Nằm trên vùng biên giới Việt – Lào, bản Ka Tăng (Lao Bảo, Hướng Hoá, Quảng Trị) là một trong những bản làng vùng biên kiểu mẫu.
Lao Bảo ngày xưa từng là biên ải giữa Đại Việt với Ai Lao, tức nước bạn Lào ngày nay; do tinh thần hòa hiếu lâu đời, ở đây không tập trung binh lính đông nên cửa khẩu được gọi là Bảo Trấn Lao, tên cũ của Lao Bảo. Bản Ka Tăng nằm sát nách cửa khẩu.
Trước đây, dân khóm Ka Tăng thuộc thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa thường quen gọi là bản Ka Tăng sinh sống theo thói quen ngàn đời của dân tộc Vân Kiều. Nhưng từ khi cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được nâng cấp thì Nhà nước đã có chủ trương tái định cư cho bản Ka Tăng để bà con có được một cuộc sống ổn định hơn, tiếp cận với văn minh hơn mà vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh biên giới, để từng bước trở thành một biểu tượng sống động nơi địa đầu biên giới.
Bà con Ka Tăng sau những bỡ ngỡ ban đầu của cuộc sống mới ở bản tái định cư đã dần hòa nhập, an cư lạc nghiệp. Dân bản vẫn giữ được bản sắc văn hóa và tình nghĩa của dân tộc mình. Họ đến với nhau chuyện trò, thăm viếng nhau khi đau ốm, vẫn giữ nguyên vẹn trang phục truyền thống cổ truyền, nhất là phụ nữ có tuổi. Họ cũng vẫn làm nghề truyền thống như đan lát, có điều thay bằng mây, tre đan thì nay nguyên liệu là ni lông hay nhựa tổng hợp phù hợp với xu thế của cuộc sống hôm nay. Đó cũng là một cách thiết thực giữ nghề, bảo tồn nghề và bản sắc truyền thống của đồng bào vùng cao biên giới.
Góc rừng Ka Tăng. |
Mặc dù định cư ở bản mới, điều kiện thiên nhiên có khác đi nhưng bà con vẫn tận dụng lợi thế núi đồi để sản xuất nông nghiệp như trồng rau, chăn nuôi gia súc như bò, dê nhằm từng bước cải thiện đời sống để giảm nhẹ sự hỗ trợ của cộng đồng và Nhà nước, dành sự ưu tiên cho các mục đích an sinh cần thiết khác nữa. Đất đai dựng bản, nhà cửa có thể biến đổi nhưng chủ nhân của bản làng thì vẫn không thay đổi.
Những bậc cao niên, nhất là già làng, trưởng bản là ngọn cờ tiên phong của Ka Tăng, luôn đi đầu trong việc phát triển các mô hình kinh tế, làm gương cho bản làng noi theo, hơn thế còn giúp bản kết nghĩa ở Đen Xa Vẳn của nước bạn Lào bên kia biên giới cùng phát triển. Những con người như thế xứng đáng được xem là cột mốc sống động sừng sững nơi biên cương tuyến đầu Tổ quốc. Già làng Hồ Thanh Bình vừa dẫn chúng tôi đi thăm trang trại của mình vừa nói: “Mình làm giàu cho mình, giúp bà con kinh nghiệm sản xuất, còn sang tận bản Lào kết nghĩa bày cho bà con cách trồng chuối đạt chất lượng cao bán ra thị trường. Vì thế tình nghĩa bà con hai bên biên giới Việt - Lào càng thêm gắn bó”.
Nói đến vùng đất biên giới là không thể nào quên vai trò to lớn và lâu dài trong mọi mặt của bộ đội biên phòng trong hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh - quốc phòng. Ở đâu có biên cương, ở đó có các anh, cụ thể với bản Ka Tăng thì là đây là phên dậu của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Như ngôi Trường Mầm non Ka Tăng cũng được dựng nên từ sự kêu gọi tích cực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, đem lại sự thuận lợi trong việc trồng chữ nơi vùng cao biên giới.
Bộ đội biên phòng luôn gần dân, lắng nghe dân, đồng hành với dân, giúp dân trong cuộc sống hằng ngày. Chủ trương lớn của quốc gia đã đi vào cuộc sống, thấm vào từng ngõ ngách đã khiến cho bản làng đổi thay, người dân chuyển biến ngày một tích cực, gương mặt vùng biên đã ngày càng khởi sắc. Thiếu tá Nguyễn Xuân Thế, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tâm tình: “Chúng tôi xác định đồn là nhà, biên giới là quê hương nên luôn gắn kết với bà con trong mọi chuyện làm ăn, sinh hoạt hằng ngày. Đồn cùng với địa phương làm hết sức mình để cùng với nhân dân xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh biên giới, xây dựng Ka Tăng thành bản kiểu mẫu vùng biên có cửa khẩu quốc tế”.
Ka Tăng hôm nay thực sự đã thay da đổi thịt. Nhà vững chãi, khang trang giữa vùng biên viễn. Hoa vẫn nở giữa những ngày nắng gió, cảnh sắc biên thùy vẫn rạng rỡ trên những con đường, những lối đi dọc ngang cửa khẩu Lao Bảo.
Phạm Xuân Dũng
Ý kiến bạn đọc