Multimedia Đọc Báo in

Cuộc sống mới trên những chiến khu xưa

06:59, 13/11/2022

Những khu căn cứ cách mạng mang mật danh H4 (vùng Ea H’Leo), H9 (Krông Bông) và H10 (huyện Lắk) thời kỳ chống Mỹ (giai đoạn 1962 - 1975) đã ghi dấu sự hy sinh của bao anh hùng, liệt sĩ để đổi lấy cuộc sống ấm no và hạnh phúc hôm nay. Đi qua những chiến khu xưa là để cảm nhận sự thay đổi từng ngày trong mỗi gia đình, cộng đồng ở đây bước ra từ cuộc chiến, cùng nhau chung tay xây dựng những làng quê mới giàu đẹp, thanh bình.

“Lá chắn thép” Dliê Yang

Về xã Dliê Yang - huyện Ea H’leo hôm nay, ai cũng nhận ra đời sống của người dân đã khởi sắc hơn nhiều. Chủ tịch UBND xã Dliê Yang - Y Thông Ksor chia sẻ: Đây là một trong những địa bàn trọng yếu của chiến khu H4 năm xưa, cùng với xã Ea Tir - nơi thành lập và đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên vốn chịu nhiều mất mát, đau thương trong chiến tranh.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, người dân trong vùng đã đồng cam cộng khổ vượt khó để đi lên bằng chính sức lực của mình. Từ một xã nghèo với nhiều thành phần dân tộc sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 60%, đến nay, đời sống của người dân trên địa bàn xã Dliê Yang được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của xã hiện nay chỉ còn hơn 6,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 37 triệu đồng/năm.

Dự án điện gió ở xã Dlei Yang đưa vào vận hành, khai thác từ năm 2019 góp phần thúc đẩy vùng đất này phát triển mạnh mẽ.

Nhiều mô hình kinh tế trồng trọt kết hợp với chăn nuôi được triển khai, nhiều vườn cà phê trồng xen canh cây ăn trái như sầu riêng, bơ, mít... mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Y Thông Ksor cho biết: Đến nay trên địa bàn xã đã thành lập được 15 tổ sản xuất cà phê bền vững trên diện tích gần 1.400 ha với hơn 760 hộ tham gia. Từ đó hình thành vùng nguyên liệu ổn định, bền vững góp phần phục vụ cho mục tiêu phát triển ngành hàng chiến lược này.

Điều đáng ghi nhận hơn cả là chỉ trong vòng 6 năm qua (2017 – 2022), xã Dliê Yang đã có bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ kết cấu hạ tầng yếu kém, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ một số chương trình mục tiêu quốc gia, cùng sự đóng góp sức lực, tài sản của người dân, xã căn cứ cách mạng năm xưa đã được đầu tư, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đã có 100% đường liên xã, liên thôn được bê tông và trải nhựa; 100% thôn, buôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; hệ thống trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa phục vụ đời sống người dân được tu sửa và xây mới kiên cố... Điều này đã thật sự tạo nên diện mạo mới trên vùng đất một thời khói lửa được mệnh danh là “lá chắn thép” ở cửa ngõ phía Đông tỉnh Đắk Lắk trong những năm đánh Mỹ.

Đắk Phơi vươn mình

Khu căn cứ H10 trong những năm chiến tranh bao gồm hai xã Đắk Phơi và Krông Nô - huyện Lắk ngày nay. Đặc biệt với chiến khu Đắk Phơi thời chống Mỹ được phân làm hai xã: 1 và 2 (xã Krông Nô hiện nay nằm trong xã 2). Sau năm 1975, hai xã thuộc vùng căn cứ cách mạng trên sáp nhập lại và chính thức được đặt tên là xã Đắk Phơi, bắt đầu hành trình đi tới ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt là khi Nhà nước phong tặng cho quân và dân xã Đắk Phơi danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1977 thì vùng đất giàu truyền thống cách mạng này như được tiếp thêm sức mạnh để vươn lên.  

Sự nghiệp giáo dục ở vùng đất anh hùng Đắk Phơi luôn được quan tâm. Ảnh: Minh Thông

Bí thư Đảng ủy xã Đắk Phơi - Nay Y Ngọc chân tình: Những đau thương, mất mát của người dân nơi đây trong chiến tranh, giờ được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng sự quan tâm, đầu tư thích đáng, nhờ đó mà cuộc sống của bà con được ổn định, phát triển từng ngày. Trước hết phải kể đến hệ thống hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) - đến nay, 11 buôn trong xã đã có điện thắp sáng; đường giao thông từ trung tâm xã vào các buôn từng bước được cứng hóa; 1 trường THCS, 2 trường tiểu học và 1 trường mẫu giáo, 1 trạm y tế đã được xây dựng khang trang và đủ điều kiện phục vụ nhu cầu đi lại, khám chữa bệnh và việc học hành cho con em người dân trong vùng. Từ năm 2005, con đường nối từ Quốc lộ 27 vào trung tâm xã Đắk Phơi dài gần 8 km đã được mở rộng và nhựa hóa với kinh phí gần 80 tỷ đồng. Con đường này trở thành huyết mạch quan trọng kết nối với các vùng lân cận như Đắk Nuê, Liêng Sơn, Bông Krang, Krông Nô… để mở rộng giao

Ông Nay Y Ngọc chia sẻ: Với lợi thế về đất đai, khoảng hơn 14.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có tới 2/3 diện tích có đủ điều kiện để trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu… xã Đắk Phơi hoàn toàn có khả năng trở thành vùng chuyên canh sản xuất ra các mặt hàng có giá trị kinh tế cao nói trên với sản lượng đáng kể. Tiếc là đến nay, nguồn lực trong dân chưa đủ mạnh để biến điều đó thành hiện thực. Toàn xã mới chỉ trồng được gần 500 ha cà phê, 700 - 800 ha cây lương thực (chủ yếu là lúa, ngô); những cây trồng khác như điều, hoa quả, đồng cỏ chăn nuôi mới được đưa vào trồng khoảng vài chục héc-ta, còn cao su, hồ tiêu thì tự phát và nhỏ lẻ không đáng kể. So với quỹ đất rộng lớn hiện có thì những con số nêu trên còn quá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế có được.

Dù vậy, chính quyền và người dân Đắk Phơi vẫn tin vào một ngày không xa, vùng chiến khu xưa này sẽ trở thành khu kinh tế trọng điểm, đóng vai trò thúc đẩy cho cả khu vực - từ phía Nam thị trấn Liên Sơn trở vào Krông Nô và nhiều xã cận kề thuộc huyện Đam Rông - Lâm Đồng.

                                     Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.