Duy trì bền vững cấp nước và vệ sinh trường học
Được giao nhiệm vụ thực hiện hợp phần cấp nước, vệ sinh trường học và nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, thời gian qua, bên cạnh việc phối hợp triển khai xây dựng các công trình, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng đã tăng cường công tác truyền thông, giáo dục hướng đến mục tiêu bền vững.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) có trên 750 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm khoảng 24%.
Trước đây, khu vệ sinh của nhà trường nhỏ, lại được xây dựng từ lâu nên không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng khi số học sinh ngày càng tăng. Sau khi khảo sát, năm 2018, Sở GD-ĐT đã hỗ trợ cho nhà trường 224 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn của Ngân hàng Thế giới (gọi tắt là Chương trình) để sửa chữa, nâng cấp công trình vệ sinh khép kín và khu rửa tay dưới vòi nước chảy. Nhà trường cũng đã lồng ghép tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ môi trường, giữ gìn khu nhà vệ sinh sạch đẹp...
Công trình vệ sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar) được hỗ trợ xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả". |
Còn tại xã Ea Păl (huyện Ea Kar), từ nguồn vốn của Chương trình, đã có 3 trường học trên địa bàn xã gồm: Mầm non Hoa Phượng, Tiểu học Võ Thị Sáu, THCS Phan Chu Trinh được đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình vệ sinh trường học, với khu vệ sinh nam, nữ riêng biệt, có nguồn nước sạch và nơi rửa tay bằng xà phòng đáp ứng nhu cầu sử dụng của học sinh. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Păl Nguyễn Minh Thuận cho hay, để bảo đảm các tiêu chí kiểm đếm đầu ra dựa trên kết quả, sau khi công trình được đầu tư xây dựng, các trường đều chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản, sử dụng đúng cách, cử nhân viên phụ trách theo dõi, giám sát, sửa chữa kịp thời những hư hỏng nhỏ như rò rỉ nước, tắc nghẽn hệ thống cấp, thoát nước nên các công trình đều duy trì tính bền vững.
Ông Nguyễn Đức Thưởng, chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT), thành viên Tổ giúp việc thực hiện Chương trình cho biết, tiểu hợp phần “Cấp nước, vệ sinh trường học” được Sở triển khai từ năm 2016, đến năm 2020 đã hoàn thành toàn bộ việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước và vệ sinh của 119 trường học tại 33 xã thực hiện “vệ sinh toàn xã” trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí trên 35,7 tỷ đồng; hoàn thành tất cả các hoạt động của hợp phần “Nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát” theo kế hoạch hằng năm. Chương trình đã cải thiện rõ rệt về điều kiện vệ sinh tại các trường học, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh về vệ sinh, bảo vệ môi trường, nguồn nước.
Từ nguồn vốn của Chương trình, Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Ea Păl, huyện Ea Kar) được hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh đạt chuẩn. |
Để nâng cao hiệu quả và duy trì tính bền vững của Chương trình, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn phòng GD-ĐT các huyện tổ chức nhân rộng mô hình trường học có nguồn nước sạch và nhà vệ sinh hợp vệ sinh, tổ chức các hoạt động truyền thông, hướng dẫn rửa tay theo 6 bước bằng xà phòng và nước sạch, góp phần bảo đảm các điều kiện, nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
Năm 2021, tỉnh đăng ký kiểm đếm đối với tất cả các trường học và trạm y tế tại 15 xã duy trì “vệ sinh toàn xã” bền vững. Kết quả, đến thời điểm này đã có 14/15 xã đạt duy trì bền vững sau 2 năm. |
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc