Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Phát triển văn hóa đọc trong trường học

07:53, 29/11/2022

Những năm gần đây, nhiều trường học trên địa bàn huyện Krông Búk đã không ngừng sáng tạo, tích cực tìm kiếm, huy động các nguồn lực để bổ sung trang thiết bị, nâng cấp hệ thống thư viện, thúc đẩy phong trào đọc sách trong nhà trường.

Tại thư viện Trường Tiểu học Hoàng Diệu (xã Cư Né) giờ ra chơi có rất đông học sinh đến đọc sách. Mỗi em chọn cho mình một quyển sách yêu thích và ngồi đọc ngay tại thư viện. Mặc dù trường nằm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn khó khăn nhưng nhờ huy động nhiều nguồn lực, nhà trường đã xây dựng được thư viện khang trang, đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh.

Trong không gian gần gũi, ấm cúng của thư viện, từ giá sách, đến các bức tường đều được trang trí đẹp mắt và thiết kế phù hợp với chiều cao của học sinh tiểu học. Các loại sách, báo cũng được sắp xếp gọn gàng với nhiều thể loại khác nhau như: truyện tranh, sách lịch sử, khám phá thế giới… Em Trần Thị Diệu Anh, học sinh lớp 4 chia sẻ: “Em có sở thích tìm đọc các loại sách về lịch sử và các vùng miền của đất nước. Ở thư viện nhà trường loại sách này có rất nhiều nên em thường đến thư viện vào giờ ra chơi để đọc”.

Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Diệu (xã Cư Né) đọc sách trong giờ ra chơi.

Hiện nay, thư viện của trường có trên 3.000 đầu sách, truyện và các tài liệu nâng cao phục vụ công tác dạy học và được bố trí, sắp xếp khoa học theo từng chủ đề. Mỗi tháng, tùy theo chủ đề, chủ điểm nhân viên thư viện chọn những cuốn sách hay, phù hợp để giới thiệu cho học sinh như: “Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng” (giới thiệu trong tháng 5 nhân Ngày sinh nhật Bác); những cuốn sách hay, bổ ích về thầy, cô giáo được giới thiệu trong tháng 11 nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; các nhân vật lịch sử, giới thiệu nhân Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12... Cách giới thiệu này đã tạo được sự mới mẻ, giúp học sinh hứng thú tìm hiểu và mượn sách để đọc.

Thầy Nguyễn Thúc Cương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu cho biết, rèn luyện thói quen đọc sách, giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết và phát triển kỹ năng sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cho học sinh được nhà trường quan tâm bằng nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo. Các loại sách đều được đánh mã số cẩn thận, các em mượn đọc sẽ giữ gìn sách sạch đẹp đến khi trả lại cho thủ thư.

 

Nhờ quan tâm đẩy mạnh phong trào đọc sách, đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện nhiều trường học trên địa bàn huyện đã thành công trong việc giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho học sinh. Qua đó, nhiều học sinh đã biết lựa chọn những quyển sách hay, ghi lại những kiến thức cần thiết có trong sách” – Ông Nguyễn Đình Khả, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Búk.

Với quyết tâm nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, hằng năm, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Pơng Drang) đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ sách truyện cho thư viện. Trường hiện có hơn 6.500 đầu sách đa dạng về các lĩnh vực khoa học, văn hóa, danh nhân, lịch sử... Từ đầu năm học 2022 đến nay, thư viện nhà trường thu hút trên 1.200 lượt học sinh đến đọc sách vào giờ ra chơi. Em Hồ Thị Mai Chi, học sinh lớp 4 cho biết: "Hằng ngày em luôn dành thời gian để đọc sách bởi sách mang đến cho em nhiều điều bổ ích. Em rất thích đến thư viện của trường vì ở đây có rất nhiều sách để lựa chọn. Em hy vọng nhà trường luôn có những cuốn sách mới để chúng em biết được nhiều bài học hay từ sách".

Để phát huy hiệu quả việc đọc sách, Trường Tiểu học Lê Văn Tám đã đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách thông qua việc giới thiệu sách, kể chuyện theo sách; thi vẽ tranh, sân khấu hóa nội dung về sách; viết cảm nhận về sách, về giáo viên và nhật ký ghi lại các hoạt động được trải nghiệm... Qua đó, học sinh không chỉ được cung cấp kiến thức từ sách mà còn được thể hiện năng khiếu cá nhân như viết, vẽ, diễn đạt...

Bên cạnh đó, hằng năm, nhà trường còn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21/4) như: ngày hội đọc sách, thi tìm hiểu về sách, hóa trang theo nhân vật trong sách. Không chỉ có nguồn sách phong phú đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh, nhà trường còn đầu tư nhiều loại sách, báo phục vụ hoạt động dạy học của giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên có nguồn tư liệu cần thiết để bổ sung vào bài giảng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. 

Thư viện Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Pơng Drang) thu hút nhiều học sinh đến đọc sách.

Cô H’Nang M’lô, cán bộ thư viện nhà trường cho hay: "Đọc sách không chỉ giúp học sinh phát triển trí tuệ, hình thành nhân cách mà còn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tạo hứng thú cho các em mỗi khi đến trường. Vì vậy, nhà trường luôn chú trọng đầu tư xây dựng thư viện với tiêu chí xanh, sạch, đẹp, thân thiện và huy động các nguồn lực ủng hộ sách, báo, truyện tranh để làm phong phú thêm các đầu sách cho thư viện".

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.