Những sáng chế hữu ích của học sinh trường nội trú
Với niềm đam mê khoa học kỹ thuật, nhiều học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đã sáng tạo những mô hình, sản phẩm hữu ích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và học tập trong môi trường nội trú.
Ý tưởng từ thực tiễn học tập và sinh hoạt
Ở trường nội trú, học sinh học ba buổi một ngày, trong đó khung thời gian từ 19 giờ - 22 giờ trong tuần (trừ thứ bảy) là giờ tự học buổi tối, học sinh lên lớp chuẩn bị bài học và làm bài tập. Mỗi tối sẽ có một giáo viên làm công việc kiểm tra sĩ số và quản lý học sinh trong khoảng thời gian này.
Tuy nhiên việc quản lý cùng một lúc nhiều lớp học ở những dãy nhà và tầng khác nhau, chưa kể nhiều hôm thời tiết mưa gió khiến giáo viên trực rất vất vả. Từ thực tế khó khăn đó của giáo viên, ba em: Đỗ Quốc Huy (lớp 12A4), Lê Tố Uyên (lớp 11A1), Hoàng Thị An (lớp 11A6) đã ấp ủ ý tưởng tạo ra một thiết bị hỗ trợ giáo viên giám sát học sinh trong giờ tự học.
Một buổi sinh hoạt của các thành viên Câu lạc bộ STEM, Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng. |
Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi trên Internet và vận dụng những kiến thức đã học, các em đã chế tạo thành công “Thiết bị hỗ trợ giáo viên quản lý học sinh trong giờ tự học buổi tối ở trường nội trú”. Từ các mạch âm thanh MP3UART tích hợp Amply DFPlayer Mini; mạch cảm biến âm thanh; board mạch Arduino Uno; GSPB 8266 V3; màn hình LCD 1602; loa 3W; thẻ nhớ, ba em đã tạo ra được hệ thống đo tần số âm thanh, khi tiếng ồn trong một lớp học vượt quá khoảng quy định thì thiết bị sẽ thông báo trực tiếp qua loa và màn hình LCD. Khi tần số âm thanh trong lớp học vượt ngưỡng 55dB, thiết bị sẽ đếm một lần và cứ ba lần loa phát ra thông báo “lớp ồn” thì thiết bị sẽ ghi nhận và gửi dữ liệu đến máy chủ để trừ điểm thi đua, sau khi hết thời gian nhắc nhở, máy tiếp tục đo bình thường. Theo em Đỗ Quốc Huy, thiết bị này sẽ giảm bớt một phần công việc cho các thầy cô đi trực vào ban đêm trong các giờ tự học cũng như hỗ trợ thống kê để đánh giá mức độ kỷ luật, tự giác của học sinh.
Mô hình “Thiết bị điều khiển quạt và phun sương tự động” của các em: Lưu Thị Thu Huệ (lớp 12A3), Hoàng Thị Lê Vy (lớp 12A5), Lương Chiều Vỹ (11A1) lại xuất phát từ cuộc sống thường ngày ở kí túc xá. Em Lưu Thị Thu Huệ chia sẻ, thông thường mỗi phòng ở có 8 - 10 bạn và được trang bị một hoặc hai chiếc quạt trần. Tuy nhiên, vào những ngày nắng nóng, khi có nhiều người ở trong cùng một không gian nhỏ, nhiệt độ tăng cao sẽ tạo cảm giác oi bức, khó chịu. Với mong muốn được sống và sinh hoạt trong môi trường không khí trong lành, với nhiệt độ, độ ẩm lí tưởng, kể cả vào mùa hè nên nhóm đã nghiên cứu làm ra thiết bị này.
Trong năm học 2022 - 2023, toàn trường có 22 ý tưởng sáng tạo của học sinh. Trên cơ sở đó, trường sẽ lựa chọn ra 3 ý tưởng có tính khả thi nhất, phân công giáo viên có kinh nghiệm hướng dẫn, hỗ trợ các em hoàn thiện sản phẩm để tiếp tục tham Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh”. Thầy Bùi Xuân Lễ, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng
|
Thiết bị có cấu tạo gồm cảm biến nhiệt độ và độ ẩm DHT11, board mạch Arduino, bình phun sương, màn hình LCD 1602 Text LCD1602... Theo đó, thiết bị dùng sẽ đo nhiệt độ, độ ẩm không gian trong phòng và cập nhật lên màn hình LCD. Thiết bị được cài đặt ở 4 chế độ: bật quạt, bật phun sương, bật và tắt chế độ tự động của thiết bị. Ở chế độ chủ động, người dùng tự bật quạt hoặc bình phun sương tùy theo nhu cầu. Còn ở chế độ tự động, khi nhiệt độ, độ ẩm lớn hơn 27°C và 75% thì quạt và bình phun sương sẽ được bật tự động, còn nhỏ hơn thì sẽ tự động tắt.
Mô hình “Máy thu chai nhựa tích điểm, đổi quà” của nhóm học sinh: Nguyễn Bùi Minh Thư (lớp 12A3), Nguyễn Văn An (lớp 11A6), Quan Thanh Nghiệp (lớp 11A6) hướng tới mục đích tạo cho học sinh trong trường có thói quen thu gom, phân loại rác, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mọi người.
Gieo niềm đam mê, sáng tạo
Theo thầy Bùi Xuân Lễ, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng, để tạo được sự hứng khởi, khơi dậy niềm đam mê học tập, nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong học sinh, hằng năm nhà trường đều xây dựng kế hoạch và tổ chức các cuộc thi khoa học kỹ thuật, cuộc thi ý tưởng sáng tạo cấp trường...
Đặc biệt, từ cuối năm 2020, trường được Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm đầu tư cho một phòng STEM, đã tạo tiền đề để trường thành lập Câu lạc bộ STEM, thúc đẩy phong trào STEM Robotics (sản phẩm thông minh tự động hóa) phát triển, thu hút đông đảo các học sinh đam mê sáng tạo, yêu thích lập trình tham gia.
Đại diện nhóm học sinh giới thiệu “Thiết bị hỗ trợ giáo viên quản lí học sinh trong giờ tự học buổi tối ở trường nội trú”. |
Qua đó, đã có nhiều sản phẩm, mô hình sáng tạo của học sinh được thực hiện trên nhiều lĩnh vực (bảo vệ môi trường, công nghệ, kỹ thuật, tự động hóa...), gần gũi với môi trường sinh hoạt, học tập của các em. Những sáng kiến này cũng đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi về sáng tạo, khoa học kỹ thuật như Cuộc thi sáng kiến "Em yêu STEM" do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức; Cuộc thi khoa học kỹ thuật và công nghệ dành cho học sinh THPT do Trường Đại học Vinuni tổ chức; Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh...
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc