Multimedia Đọc Báo in

Trải nghiệm “Hành trình xanh”

07:14, 06/11/2022

Là hoạt động nằm trong chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh”, Hành trình trải nghiệm vừa diễn ra tại Vườn Quốc gia Yok Đôn đã giúp các bạn trẻ bổ sung thêm kiến thức, nhận thức rõ hơn vai trò trong việc chung tay bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học vì một hành tinh xanh.

Khám phá "mật tín" của rừng

Có mặt tại Vườn Quốc gia Yok Đôn ngay từ sáng sớm, gần 30 bạn trẻ đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước là những thí sinh đoạt giải thưởng ở các cuộc thi của chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” năm 2022 và "Đại sứ xanh" của chương trình được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn những nội dung chính cũng như những điều cần đặc biệt lưu ý khi tham gia hoạt động trải nghiệm trong rừng.

Tại đây, các bạn trẻ chia thành ba nhóm nhỏ, được cung cấp đầy đủ các dụng cụ bảo hộ gồm mũ, bao tay, áo mưa, giày chống nước, gậy đi rừng… Mỗi nhóm đều có người dẫn đường và hai cán bộ kiểm lâm đi cùng.

Các bạn trẻ tìm hiểu về các loài thực vật trong rừng khộp ở Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Xuất phát từ Trung tâm hành chính của Vườn đến cổng rừng, các nhóm bắt đầu hành trình khám phá “Mật tín rừng xanh”. Theo đó, từng nhóm di chuyển theo cung đường có sẵn trên bản đồ, tìm kiếm thông tin liên quan đến hệ sinh thái rừng, tìm hiểu ý nghĩa, tác dụng của rừng đối với bảo vệ môi trường, nguồn nước và công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. Tại mỗi trạm dừng chân, các nhóm được tham gia thử thách với những trò chơi thực tiễn. Qua đó các thành viên trong nhóm hiểu rõ hơn về vai trò và tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng nơi đây, ý nghĩa của việc bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, tầm quan trọng của các tầng đất và các biện pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trải nghiệm mô hình du lịch thân thiện với voi

Khởi động với “Mật tín loài voi”, các bạn trẻ đồng hành cùng cán bộ kiểm lâm tìm kiếm vị trí của các chú voi đang sinh sống trong Vườn Quốc gia Yok Đôn. Muốn thu được những manh mối để tìm kiếm các chú voi, nhóm phải giải mã các mật thư được mã hóa liên quan đến khu vực voi sinh sống, đặc điểm, tập tính, thức ăn của voi. Khi đã tìm được vị trí của voi, các nhóm được nghe các cán bộ kiểm lâm và quản tượng chia sẻ câu chuyện về cuộc đời của các cá thể voi rất đặc biệt nơi đây.

Từng biết đến loài voi qua tranh ảnh, sách báo, truyền hình, bạn trẻ Phạm Văn Kiệt (TP. Cần Thơ) rất hào hứng khi được tận mắt nhìn thấy những chú voi trong rừng. “Được tham gia vào hành trình, được trải nghiệm mô hình du lịch thân thiện với voi em thấy thực sự rất ý nghĩa. Em biết được rằng, việc đưa voi thả về rừng, cho voi ăn uống, đi lại, sinh hoạt trong không gian hoang dã như bây giờ sẽ giúp voi khỏe mạnh và tuổi thọ tăng dần. Không chỉ tìm hiểu được tập tính bầy đàn trong tự nhiên như vốn có của loài voi, chúng em còn được nghe kể về chuyện huấn luyện và chăm sóc voi lâu đời của đồng bào trong vùng”, Kiệt chia sẻ.

Thú vị rừng khộp

Đến với phần “Giải mã rừng khộp”, để tìm được phương hướng di chuyển trong khu rừng, các nhóm tham gia cần vượt qua một chuỗi nhiệm vụ bao gồm thử thách trí não và vận động. Mỗi lần vượt qua thử thách và ghi nhận lại các thông tin về rừng khộp trong sổ tay, các nhóm đều nhận được chỉ dẫn đến vị trí tiếp theo, tiếp tục như vậy cho đến khi tìm được lối ra khỏi lõi rừng.

Các nhóm cùng tham gia giải mật thư để tìm kiếm thông tin về hệ sinh thái rừng khộp.

Ở trải nghiệm này, các bạn trẻ biết thêm được rất nhiều kiến thức bổ ích. Là một trong số những “Đại sứ xanh” của chương trình, bạn Nguyễn Sài Gòn Thái Học (tỉnh Phú Yên) tâm sự: “Qua tìm hiểu từ trước, em biết Vườn Quốc gia Yok Đôn có hệ sinh thái vô cùng đa dạng, phong phú. Đây được xem là nơi bảo tồn hệ động thực vật của Việt Nam. Tuy nhiên được trải nghiệm thực tế, em tìm hiểu được thêm về một số loại cây đặc trưng của rừng khộp như cây dầu, cà chít, chiu liu; biết được trong số hơn 1.000 loài thực vật tại đây thì có hơn 1/3 là cây thuốc. Thú vị hơn nữa là em biết được rừng khộp là rừng thưa lá rộng rụng lá theo mùa, khi dẫm lên đám lá cây khô sẽ phát ra âm thanh nghe như “khộp” vậy nên có tên gọi rừng khộp và “khộp” theo tiếng Khơmer cũng có nghĩa là khô, dễ cháy. Đó là những kiến thức mà có lẽ nếu không trực tiếp được trải nghiệm thì em không thể nào hiểu và cảm nhận được”.

Kết thúc hành trình với thử thách “Mạch nguồn sự sống”, các nhóm tham gia làm “Thí nghiệm Mizuiku”, thí nghiệm về tầm quan trọng của rừng, của tầng đất và bảo vệ nguồn nước. Theo đó, với các vật liệu thu thập được trong suốt chuỗi thử thách và các vật liệu tự nhiên xung quanh vị trí tập kết, các nhóm phải tạo được mô hình thí nghiệm để chứng minh được tầm quan trọng của rừng khộp trong việc chống xói mòn đất, giữ nước và điều hòa nguồn nước ngầm tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Bà Nguyễn Xuân Linh Trang, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Phát triển bền vững, Marketing và các nhãn hàng nước giải khát không gas, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam cho biết: “Là đơn vị đồng hành cùng chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” năm 2022, chúng tôi luôn đề cao các hoạt động trải nghiệm thực tế tìm hiểu về hệ sinh thái rừng đầu nguồn tại các địa phương. Đây là hoạt động được xây dựng trên cơ sở các chương trình tuyên truyền, giáo dục thực tế của tổ chức Đoàn và tiếp thu những điểm nổi bật, các giải pháp sáng tạo từ chương trình trải nghiệm rừng được Tập đoàn Suntory tổ chức tại Nhật Bản từ năm 2004 tới nay. Với nhiều hoạt động trải nghiệm lý thú và thông tin bổ ích, hy vọng chương trình sẽ góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò của rừng, vấn đề bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.