Người có uy tín góp sức phòng, chống tệ nạn ma túy
Trong đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy, ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, còn có sự góp sức của đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng buôn trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân.
Trước tình trạng một số thanh niên trong buôn K’tơng Drun, xã Cư Né (huyện Krông Búk) tìm đến “cái chết trắng”, ông Y Tio Mlô - người có uy tín của buôn K’tơng Drun đã tích cực cùng với các ngành chức năng thường xuyên nắm tình hình, đến từng nhà để tuyên truyền về tác hại của ma túy. Đối với thanh niên nghiện ma túy, ông Y Tio đến từng gia đình, gặp riêng từng trường hợp để vận động đi cai nghiện cũng như khuyên nhủ cha mẹ quan tâm hơn đến con cái.
Bên cạnh đó, ông Y Tio còn cùng với những người uy tín ở các địa phương khác đến những nơi mà thanh niên hay tụ tập để gặp gỡ, nhắc nhở thanh niên tránh xa ma túy, đặc biệt là không nghe theo những lời rủ rê, dụ dỗ của người khác. Nhờ sự tận tình của ông, người dân nơi đây dần nâng cao ý thức trách nhiệm cùng đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Ông Y Tio Mlô, người có uy tín của buôn K’tơng Drun, xã Cư Né (huyện Krông Búk) và lực lượng chức năng trao đổi về công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn. |
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 6 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại một số huyện; cấp phát 600 tờ rơi tuyên truyền; thực hiện khảo sát, thống kê thực trạng tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy thông qua hoạt động phỏng vấn gần 300 người dân sinh sống trong vùng. |
Còn ở thôn 14, xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) những năm trước đây, nhiều hộ gia đình đã kiệt quệ, không ít người rơi vào vòng lao lý vì “cơn bão” ma túy hoành hành. Trước tình hình đó, các ngành chức năng đã tích cực vào cuộc, phối hợp cùng với người có uy tín trong thôn để nâng cao nhận thức cho người dân. Thông qua các buổi sinh hoạt thôn, các cuộc họp do chính quyền địa phương tổ chức, ông Hoàng Văn Sinh, người có uy tín thôn 14 đã tuyên truyền giúp bà con nhận biết để không tham gia sử dụng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy. Đồng thời, đến từng hộ giải thích về tác hại của ma túy, vận động mọi người tích cực tham gia phát hiện, tố giác hành vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.
Đại úy Lê Tiến Đạt, Trưởng Công an xã Cư Kbang chia sẻ, thôn 14 có 424 hộ dân, với hơn 2.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc phía Bắc. Từ năm 2014, tệ nạn ma túy nhen nhóm và xuất hiện ở đây, có thời điểm, hàng chục gia đình trong thôn có từ 2 - 3 người liên quan đến ma túy. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, sự mềm dẻo trong công tác dân vận của người có uy tín, ban tự quản thôn, đến nay, số người nghiện trong thôn đã giảm hơn một nửa.
Ban Dân tộc tỉnh tổ chức các Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống ma túy cho già làng, trưởng thôn, buôn, chức sắc tôn giáo, người có uy tín ở huyện Cư M'gar. |
Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số. Toàn tỉnh hiện có 1.021 người có uy tín. Đánh giá về vai trò của người có uy tín trong bảo vệ an ninh trật tự, bà H'Yâo Knul, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định, đội ngũ người có uy tín là cầu nối quan trọng để chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì đội ngũ này đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy.
Gia Bảo
Ý kiến bạn đọc