Multimedia Đọc Báo in

Ký ức chợ quê ngày Tết

08:48, 25/01/2023

Chợ Chùa quê tôi là chợ lâu đời, là đầu mối giao thương của các xã Nam Anh, Nam Xuân, Nam Lĩnh và Xuân Hòa của huyện Nam Đàn (Nghệ An).

Các hàng hóa mua bán ở chợ chỉ đơn giản là những loại nông sản “tự sản tự tiêu”, nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt gia đình. Thế nhưng đối với mẹ tôi “chợ Chùa là nơi bán đồ rẻ nhất, ngon nhất, hợp mốt nhất” nên dù con cái đi Đông đi Tây, mua nhiều thứ quà giá trị dành tặng cũng chẳng bằng đồ mẹ mua tại chợ Chùa ở quê.

Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, độ từ ngày 25 đến 30 tháng Chạp, lúc này tiết trời vẫn se lạnh, bầu trời không còn u ám như những ngày đông mà đã có nắng nhạt. Khác với các phiên chợ thường ngày chỉ họp vào buổi chiều, thì phiên chợ của những ngày này họp từ sáng sớm đến tối mịt, đông đúc kẻ bán người mua với nhiều loại hàng hóa.

Về lương thực có các loại gạo nếp, gạo tẻ, gạo tám thơm. Về thực phẩm có gia cầm, thủy sản, thịt lợn, trứng gà, trứng vịt, các loại rau xanh và gia vị. Các loại củ, quả như: khoai từ, khoai tím, bí đỏ, cà chua, gấc, cho đến những phên đường mía, mật mía... Trái cây có chuối, cam, quýt, bưởi, bòng, táo, dưa hấu để cúng trong ngày Tết; rồi đỗ xanh, lá dong gói bánh... đều được bày bán nhiều. Một góc quan trọng và luôn chật ních người là nơi bán lá trầu, vôi và cau. Tất cả những thứ hàng hóa đó tuy giá trị không cao nhưng được người dân quê tôi một nắng hai sương làm lụng vất vả mới có được.

Trong cái nắng hanh khó chịu nứt nẻ da thịt, mẹ tôi đạp xe đi chợ mỗi ngày, bán những mớ rau mẹ trồng được để có chút tiền mua những thứ đồ cần thiết với mong mỏi một cái Tết sung túc hơn. Ngày ấy, đám trẻ chúng tôi háo hức chờ đợi mẹ đi chợ về mang theo bộ quần áo mới, bánh mứt, cây quất… mà thấy rạo rực trong lòng.

Quang cảnh náo nhiệt đó, chúng tôi chỉ được nhìn thấy vào những phiên chợ cuối năm, mang theo không khí Xuân tràn ngập vùng đồi trung du thuần nông này. Đời sống vật chất tuy chưa đủ đầy nhưng cảm xúc êm đềm, thoải mái, chân quê.

Chợ Chùa quê tôi.

Thuở ấy, đám trẻ con chúng tôi hiếm khi được mẹ dắt đi chợ trong khoảng thời gian giáp Tết. Bởi vì ở quê tôi có một phiên chợ riêng dành cho trẻ em, được duy trì từ rất nhiều năm qua, còn gọi là chợ Ật Lè. Thời điểm chiều 30 Tết, chợ bắt đầu mở phiên và kéo dài đến hết buổi chiều. Khách hàng của phiên chợ này hầu hết là trẻ em.

Nghe ông bà kể lại, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, người lớn những ngày cuối năm còn bận rộn công việc đồng áng, không có thời gian mua đồ chơi cho trẻ con chơi Tết, nên cứ vào chiều 30 Tết, khi sắp xếp xong công việc đồng áng, cha mẹ ở nhà lo trang trí nhà cửa, nấu nướng chuẩn bị cúng giao thừa thì đám trẻ được ông bà, cha mẹ cho một ít tiền lẻ để xúng xính váy áo đi đến chợ và mua những món đồ mình thích. Mỗi năm chỉ có một lần được tự tay cầm tiền, tự quyết định món đồ mình thích và mua chúng, lúc đó đứa trẻ nào cũng hớn hở ra mặt, miệng cười toe toét. Tôi cùng đám trẻ trong làng dắt nhau tự đi bộ tới phiên chợ Ật Lè với một niềm vui khó tả.

Trẻ em xúng xính váy áo để đi phiên chợ Ật Lè.

Dù được cha mẹ căn dặn rất kỹ nên đi một vòng để biết được món nào mình thích nhất, trả giá chúng ra sao. Thế nhưng, năm nào cũng vậy, trên đoạn đường chưa đầy ba cây số từ nhà tới chợ thì tôi chả nhớ gì nữa. Tôi chưa lần nào đi nổi một vòng chợ, mà trong mắt tôi lúc ấy thấy cái gì cũng lạ, cũng đẹp và tôi cần có chúng để chơi vào dịp Tết!

Thời điểm đó, các loại đồ chơi cho trẻ em chưa được đa dạng như hiện nay, hầu hết chỉ là đồ chơi bằng giấy, gỗ, đất nặn, bong bóng… nhưng đối với tôi nó có một sức hút lạ thường. Cũng chính vì vậy, trong mỗi phiên chợ Ật Lè tôi chưa bao giờ còn tiền dư để mang về, thay vào đó là các loại đồ chơi đầy ụ trên tay.

Những ký ức về phiên chợ Tết, chợ Ật Lè, những vật phẩm mà tôi mua tại đây luôn là một ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ, của quê nhà và trở thành một nỗi nhớ da diết khôn nguôi mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.