Multimedia Đọc Báo in

Kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19

08:23, 21/02/2023

Bằng việc triển khai quyết liệt các biện pháp để chủ động phòng, chống dịch một cách hiệu quả cùng sự phối hợp của người dân, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại đã được kiểm soát tốt.

Số ca mắc COVID-19 giảm mạnh

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã chủ động bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai các biện pháp cần thiết, phù hợp, không để bị động, bất ngờ, không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo giám sát dịch tễ nhằm phát hiện sớm các biến chủng mới.

Vượt qua thời gian phòng, chống dịch bệnh nhiều phức tạp, khó khăn, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh hiện đã được kiểm soát tốt, không để bùng phát kéo dài. Tuy nhiên, việc mở cửa lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2023.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh.

Trước thực trạng đó, ngành y tế đã tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, trường học, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Giám sát, theo dõi tình hình diễn biến của dịch nhằm đáp ứng kịp thời việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Cùng với các cấp, ngành, địa phương, ngành y tế cũng đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, đảm bảo người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời các quy định mới về phòng, chống dịch COVID-19.

 

“Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, người dân cần thực hiện tốt thông điệp vắc xin + 2K (khẩu trang, khử khuẩn), tham gia tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, chủ động bảo vệ sức khỏe, tuyệt đối không chủ quan, lơ là với dịch COVID-19”.

bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh ghi nhận 174.755 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 với 281 trường hợp tử vong. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 26 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, không có trường hợp tử vong. Số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua giảm mạnh, chỉ ghi nhận những ca mắc rải rác ở các địa phương và rất ít bệnh nhân phải điều trị tại các cơ sở y tế. Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, toàn tỉnh chỉ có 2 ca mắc COVID-19 điều trị tại cơ sở y tế.

Không lơ là, chủ quan

Dù dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt nhưng hiện ngành y tế tỉnh vẫn tích cực duy trì các phương án điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế. Đồng thời, tập trung lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch, trong đó, bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch được điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh, với đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc.

Qua ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hiện tại, để hạn chế thấp nhất trường hợp mắc COVID-19 xâm nhập vào bệnh viện, bệnh viện đã bố trí khu vực khám sàng lọc ngay từ cổng vào, nếu phát hiện mắc COVID-19, bệnh nhân sẽ được đưa đến khoa điều trị chuyên biệt. Bệnh viện cũng vẫn duy trì 2 đơn nguyên điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Khoa Truyền nhiễm và Khoa Hồi sức tích cực chống độc để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Tương tự, tại Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, từ đầu năm đến nay, dù chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào nhưng Trung tâm vẫn duy trì công tác khám sàng lọc đối với bệnh nhân điều trị nội trú. Cùng với đó, Trung tâm đã thành lập đội phản ứng nhanh, sẵn sàng hướng dẫn người dân cách ly y tế, theo dõi tại nhà hoặc điều trị tại cơ sở y tế khi có yếu tố bệnh nặng. Trung tâm cũng tiến hành phân công cán bộ, bác sĩ trực 2 khu điều trị COVID-19 với quy mô 55 giường bệnh, sẵn sàng trước tình huống dịch bệnh phát sinh.

Học sinh trên địa bàn tỉnh tìm hiểu thông tin về vắc xin phòng COVID-19.

Theo đánh giá của bác sĩ Lê Phúc, dù ngành y tế đã có sự chủ động ứng phó với dịch bệnh nhưng một bộ phận người dân hiện nay vẫn chủ quan, lơ là, có tư tưởng cho rằng không cần thiết tiêm vắc xin phòng COVID-19 và các mũi nhắc lại do dịch đã được khống chế hoàn toàn và việc tiêm chủng nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, từ đó không chủ động tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt các mũi nhắc lại.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện đã thực hiện 4.738.088 mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19, trong đó tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 phòng COVID-19 của nhóm đối tượng từ 5 đến 11 tuổi mới chỉ đạt 67,3%. Sau khi UBND tỉnh triển khai lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh” và tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tác động tích cực đến tư tưởng, nhận thức của phụ huynh, học sinh về vấn đề này. Dẫu vậy, việc triển khai tiêm chủng đến nay vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng, một phần do lượng vắc xin phân bổ để tiêm cho nhóm tuổi này có thời điểm bị gián đoạn.

Thời gian tới, ngay sau khi tiếp nhận vắc xin, ngành y tế sẽ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng bao phủ trên các nhóm nguy cơ cao và cho tất cả các trường hợp từ 5 đến dưới 12 tuổi, tăng cường công tác tiêm vắc xin bổ sung và nhắc lại cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Song song đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch, tiếp tục đẩy mạnh thông tin tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​