Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm quyền lợi cho người dân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

06:34, 30/03/2023

Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã phối hợp với ngành y tế đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người có thẻ BHYT yên tâm đến khám, điều trị; qua đó, từng bước góp phần hoàn thành lộ trình bao phủ BHYT toàn dân, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 1.659.657 người tham gia BHYT, tăng 115.075 người so với năm 2021, đạt tỷ lệ bao phủ 92,27% dân số. Trong năm qua, có khoảng 2.423.000 lượt người khám chữa bệnh BHYT với chi phí khoảng 1.234 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 39 cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh BHYT, gồm 26 cơ sở y tế công lập và 13 cơ sở y tế ngoài công lập; trong đó có 8 cơ sở tuyến tỉnh, 31 cơ sở tuyến huyện. Ngoài ra, 184 trạm y tế xã, phường, thị trấn đều tổ chức khám chữa bệnh BHYT.

Cán bộ BHXH tỉnh thăm hỏi bệnh nhân BHYT điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Có thể nói, trong những năm gần đây, cùng với việc các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, nâng cấp thì chất lượng phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được cải thiện, người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, thuốc mới. Trong đó, việc mở rộng hoạt động khám chữa bệnh BHYT ban đầu đến y tế tuyến huyện và các xã, phường, thị trấn đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân; đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa góp phần tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại cho người dân khi không may ốm đau, bệnh nhẹ.

Đơn cử như ở huyện M’Drắk, việc khám điều trị bệnh cho bệnh nhân BHYT tại Bệnh viện Đa khoa huyện luôn được quan tâm. Bác sĩ Phan Đức Thuận, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa huyện cho biết, cùng với cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà trong đón tiếp, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, trang thiết bị... thì bệnh viện còn tạo điều kiện để người tham gia BHYT được bảo vệ quyền, lợi ích của mình khi đi khám và điều trị. Đơn cử, nhiều người có thẻ BHYT khi đến bệnh viện khám, điều trị không mang theo thẻ thì vẫn được nhập viện điều trị trước rồi bổ sung thẻ BHYT sau. Trước khi làm thủ tục xuất viện, nếu bệnh nhân nộp thẻ thì đều được thanh toán BHYT.

Theo thống kê của BHXH huyện M'Drắk, trong năm 2022, toàn huyện có 71.942 lượt khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, với số tiền thanh toán từ quỹ BHYT gần 22,5 tỷ đồng. Những năm qua, đơn vị đã kịp thời lập kế hoạch tài chính chuyển tiền, chi khám chữa bệnh tại bệnh viện huyện, đảm bảo đúng chế độ do Nhà nước quy định.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa huyện M'Drắk chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Nhằm triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, BHXH tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với Công an tỉnh, các đơn vị sử dụng lao động, các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT trên địa bàn để cập nhật số định danh cá nhân của người tham gia BHYT vào cơ sở dữ liệu BHXH tỉnh đang quản lý phục vụ đồng bộ dữ liệu. Tính đến ngày 15/12/2022, 100% cơ sở khám chữa bệnh đã trang bị đầu đọc để thực hiện tra cứu bằng CCCD; đã có 92.277 lượt khám chữa bệnh bằng CCCD trên tổng số 151.719 lượt tra cứu dữ liệu CCCD; có 1.126.897 CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để khám chữa bệnh.

Cùng với đó, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT, thời gian qua, ngành BHXH và ngành y tế cũng phối hợp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; tạo điều kiện thuận lợi khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho người tham gia; bám sát các hướng dẫn của Bộ Y tế về các tiêu chí chỉ định bệnh nhân vào nội trú, thủ tục hành chính khám chữa bệnh BHYT đúng người, đúng thẻ để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT…

Theo BHXH tỉnh, với mục tiêu đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHYT lên hàng đầu, ngành BHXH luôn chủ động và tích cực trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia thụ hưởng. Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, BHXH tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với ngành y tế triển khai nhiều giải pháp, từ đó góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.