Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh phòng, chống bệnh lao tại cộng đồng

06:45, 13/03/2023

Theo thống kê của Sở Y tế, năm 2022, toàn tỉnh phát hiện 800 bệnh nhân lao các thể mới và tái phát. Nhiều bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị qua việc khám sàng lọc tại tất cả các tuyến y tế, góp phần hạn chế nguồn lây mới trong cộng đồng.

Tuy nhiên, những con số trên cũng cho thấy, tỷ lệ người mắc lao trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao. Hơn nữa, những thách thức hiện nay đối với công tác phòng, chống bệnh lao là tình trạng kháng thuốc do bệnh nhân bỏ dở việc điều trị; việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống bệnh lao tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn; nguy cơ phát sinh nguồn lây trong cộng đồng vẫn chưa có giải pháp phòng, chống hữu hiệu; nhiều người mắc bệnh vẫn ngại đến khám tại các cơ sở y tế khám, đến khi được phát hiện thì bệnh đã tiến triển nặng...

Các bác sĩ Bệnh viện Phổi tỉnh lấy máu xét nghiệm cho người dân tới tầm soát bệnh lao.

Tiến sĩ, bác sĩ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ bệnh nhân mắc lao tại Việt Nam được phát hiện hằng năm khoảng 170/100.000 dân. Như vậy, tại tỉnh Đắk Lắk với dân số khoảng 2 triệu dân, mỗi năm có khoảng hơn 3.000 trường hợp mắc lao mới. Tuy nhiên, chương trình phòng, chống lao của tỉnh chỉ phát hiện, đưa vào quản lý điều trị khoảng 1.000 trường hợp, còn gần 2.000 trường hợp bệnh nhân mắc lao chưa được phát hiện để đưa vào điều trị và quản lý. Đây là nguồn lây rất nguy hiểm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nhân mắc lao kháng thuốc cũng gia tăng. Trong 1.000 trường hợp bệnh nhân lao được phát hiện có khoảng 20 - 30 trường hợp mắc lao kháng thuốc các loại.

Có thể nói, sau 3 năm dịch COVID-19, hiện nay bệnh lao đang quay trở lại nặng nề hơn. Trước tình hình đó, ngành y tế tỉnh hiện đang củng cố, kiện toàn mạng lưới phòng, chống lao từ tỉnh đến cơ sở với các khoa, phòng khám, điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tại mỗi xã đều có 1 bác sĩ hoặc y sĩ được phân công quản lý chương trình phòng, chống lao; tại thôn, buôn, các cộng tác viên y tế là mạng lưới “chân rết” trên toàn cộng đồng để quản lý tốt các đối tượng nghi ngờ lao trong cộng đồng, đưa đi khám, phát hiện đưa vào điều trị sớm để cắt nguồn lây trong cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng; vận động các gia đình cho trẻ em tiêm phòng đầy đủ vắc xin BCG (phòng lao)...

Để phát hiện sớm các bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng, ngành y tế còn triển khai chiến lược 2X - chẩn đoán bệnh lao bằng phương pháp chụp X-quang ngực và xét nghiệm GeneXpert. Cùng với đó là tổ chức khám chủ động cho người dân bằng cách đưa xe X-quang đến các địa phương tiến hành làm xét nghiệm đờm, tầm soát lao cho người dân. Hiện trên địa bàn tỉnh được Chương trình phòng, chống lao hỗ trợ 3 máy xét nghiệm GeneXpert - hệ thống máy xét nghiệm sinh học phân tử khép kín, hiện đại đặt tại Bệnh viện Phổi tỉnh và Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ, giúp chẩn đoán nhanh và sớm bệnh nhân lao.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.