Multimedia Đọc Báo in

Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở

08:09, 28/03/2023

Những năm qua, công tác hòa giải cơ sở ở TP. Buôn Ma Thuột đã khẳng định vai trò quan trọng trong cộng đồng dân cư, kịp thời hóa giải những mâu thuẫn, tranh chấp, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công tác này đang gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ.

Tồn tại hình thức

Phường Tân Tiến có 13 tổ hòa giải cơ sở, mỗi tổ từ 5 - 7 hòa giải viên (HGV). Mặc dù đã được kiện toàn ở tất cả các tổ dân phố, song chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải đều kém hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Tiến cho biết, nguyên nhân bởi đa phần thành viên tổ hòa giải đều là tổ trưởng tổ dân phố, trưởng chi hội đoàn thể kiêm nhiệm. Một số HGV trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, năng lực không đồng đều, ngại va chạm, thiếu nhiệt tình. Mặt khác, hiện nay vẫn chưa có quy định bắt buộc các bên có tranh chấp, mâu thuẫn phải thực hiện hòa giải ở cơ sở. Chính vì vậy, trên thực tế tuy có nhiều vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở nhưng các bên có mâu thuẫn, tranh chấp không muốn và không đề nghị tổ chức hòa giải ở cơ sở. Nhiều năm nay, các tổ chưa hòa giải thành vụ việc nào.

Các thành viên Tổ hòa giải thôn 1, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột (bên trái) đến nhà trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Ông Trần Văn An, Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố 4, phường Tân Tiến cho hay, đặc thù của dân cư đô thị là làm đa ngành nghề, nhiều người đến tạm trú. Ban ngày họ đóng cửa đi làm, tối thì ở trong nhà, ít quan tâm giao lưu với nhau nên tính cộng đồng chưa cao. Các HGV cũng ít tiếp cận nên khó phát hiện những mâu thuẫn, tranh chấp trong dân để tiến hành hòa giải. Chỉ khi vụ việc trở nên phức tạp, căng thẳng thì các bên tranh chấp mới làm đơn ra tòa, hoặc đề nghị UBND phường giải quyết, không muốn hòa giải ở cơ sở. Vì vậy, nhiều năm nay, tổ hòa giải chỉ tồn tại hình thức.

Thiếu sự quan tâm, chưa đáp ứng yêu cầu

Không chỉ ở khu vực đô thị, các tổ hòa giải thôn, buôn cũng lâm vào cảnh tương tự. Ông Phạm Văn Đang, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Cao Thành, xã Ea Kao chia sẻ: Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, nhất là những năm gần đây giá đất tăng cao, nhiều người từ nơi khác đến đầu tư, cư trú đông, các mâu thuẫn, tranh chấp ở lĩnh vực hôn nhân - gia đình, đất đai có xu hướng phức tạp. Trong khi đó, HGV đa số là những người lớn tuổi, trình độ, kỹ năng hạn chế, điều kiện cập nhật kiến thức pháp luật chưa đầy đủ nên khó vận dụng vào công tác hòa giải. Chưa kể, để hòa giải thành mỗi vụ việc, các HGV phải mất nhiều thời gian, công sức và chi phí đi lại, song mức hỗ trợ của Nhà nước 200.000 đồng/vụ/tổ hòa giải là quá thấp. Vì vậy, một số HGV không mấy mặn mà. Điều đáng nói nữa là nhiều năm nay, xã Ea Kao chưa tổ chức được lớp bồi dưỡng kỹ năng hòa giải cho các HGV cơ sở. Các tổ hòa giải ở cơ sở gần như hoạt động khá rời rạc, ít được quan tâm, định hướng.

Cán bộ phường Ea Tam trò chuyện với người dân (đứng giữa).

Theo báo cáo của Phòng Tư pháp TP. Buôn Ma Thuột, toàn thành phố hiện có 252 tổ hòa giải với 1.480 HGV (100% thôn, buôn, tổ dân phố đều có tổ hòa giải). Thực tế công tác hòa giải ở cơ sở còn nhiều khó khăn, hạn chế; nhiều mâu thuẫn, tranh chấp dân sự nhỏ nhưng chưa được phát hiện hoặc phát hiện nhưng chưa hòa giải, hòa giải không kịp thời nên dẫn đến tỷ lệ hòa giải thành đạt thấp.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trưởng Phòng Tư pháp TP. Buôn Ma Thuột, nguyên nhân là một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; việc xác định trách nhiệm của UBND cấp xã đối với hoạt động hòa giải chưa thật sự rõ ràng, dẫn đến hoạt động này vẫn còn hình thức, chưa hiệu quả. Đa số đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở hoạt động kiêm nhiệm, chế độ không có nên ít chủ động đầu tư, nghiên cứu về pháp luật và kỹ năng hòa giải. Từ đó, chưa động viên, khích lệ được phong trào hòa giải nói chung cũng như sự tham gia của HGV nói riêng, làm ảnh hưởng đến năng lực, hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở…

Thiết nghĩ, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tập trung giải quyết được những khó khăn, bất cập nêu trên. Cùng với đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột và các phường, xã cũng cần nâng cao vai trò, năng lực cho cán bộ quản lý công tác hòa giải và đội ngũ HGV để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, thực hiện lồng ghép công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.