Multimedia Đọc Báo in

Học sinh bỏ học – nỗi lo chưa dứt (Kỳ cuối)

08:06, 24/03/2023

Kỳ cuối: Tiếp sức em đến trường

Để sẻ chia khó khăn, động viên các em tiếp tục đến trường, bên cạnh sự vào cuộc, tạo môi trường học tập thân thiện của ngành giáo dục thì nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã chung tay, góp sức đồng hành, tiếp sức cho học sinh vững bước trên con đường học tập.

Những nhịp cầu nhân ái

Cùng với việc bổ trợ kiến thức, mở lớp phụ đạo cho học sinh yếu kém hay kèm cặp học sinh trở lại lớp sau thời gian nghỉ học…, thời gian qua, nhiều nhịp cầu nhân ái đã đồng hành, nâng bước các em có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn tiếp tục con đường học tập bằng cả tấm lòng và trách nhiệm. Chính nhờ sự đóng góp, sẻ chia dù chỉ là những phần quà nhỏ như bộ áo quần, sách vở, chiếc xe đạp hay suất học bổng… đã giúp hàng nghìn học sinh nghèo có thêm điểm tựa vững chắc, tiếp tục đến trường, giảm tỷ lệ bỏ học giữa chừng.

Tiết thực hành môn hóa học của học sinh huyện Krông Bông.

Em H’Phốt Niê (học sinh lớp 10C4, Trường THPT Quang Trung, huyện Krông Pắc) có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, nhà thuộc diện hộ nghèo, bố mất, mẹ thường xuyên đau ốm nhưng vẫn phải đi làm thuê làm mướn qua ngày nuôi ba đứa con ăn học. Nắm bắt hoàn cảnh đó, nhà trường đã kêu gọi các cựu học sinh của trường đứng ra nhận đỡ đầu em với số tiền hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng để giúp em có điều kiện đến trường. Em H’Phốt tâm sự, nhà cách trường gần 10 km nhưng do không có phương tiện nên hằng ngày em phải đi nhờ xe của bạn bè hoặc người thân, có những hôm không xin đi nhờ được em đành phải gọi điện cho cô giáo xin nghỉ học. Do đó, nếu không có sự hỗ trợ này chắc em phải bỏ học giữa chừng.

Ông Mai Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung cho biết, ngoài việc kêu gọi nhiều nguồn lực để trao tặng những phần quà, suất học bổng cho học sinh thì Hội Chữ thập đỏ nhà trường cũng hỗ trợ trực tiếp cho các em có hoàn cảnh khó khăn (hiện đang hỗ trợ 8 em với số tiền 100 nghìn đồng/em/tháng). Ngoài ra, những trường hợp gia đình học sinh có hoàn cảnh ngặt nghèo, nhà trường cũng vận động cán bộ, giáo viên và phụ huynh tham gia đóng góp để hỗ trợ đột xuất cho các em.

Đầu năm học 2022 - 2023, sau khi nắm bắt thông tin hai học sinh Trường THCS thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, không có phương tiện đến trường, Hội Chữ thập đỏ huyện đã kêu gọi các mạnh thường quân kịp thời hỗ trợ hai chiếc xe đạp để hai em tiếp tục việc học.

Tại huyện Krông Bông, ngoài việc phối hợp với các tổ chức, đoàn thể kêu gọi hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, năm học này, Phòng GD-ĐT huyện đã kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ tặng hơn 3.000 bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để đáp ứng nhu cầu học tập của các em…

Xây dựng trường học thân thiện

Rào cản lớn nhất trong công tác vận động học sinh đến trường là chính bản thân học sinh bỏ học và gia đình các em không mấy mặn mà với việc học. Do đó, song song với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức  cho người dân, thì cần tạo hứng thú đến trường cho các em, trong đó việc đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, tạo môi trường thân thiện với học sinh là một giải pháp quan trọng.

Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Vovinam Trường THCS Cư Pui (huyện Krông Bông).
 
“Để ngăn dòng bỏ học, bên cạnh việc dạy phụ đạo, kêu gọi nguồn lực hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì ngành sẽ hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp nắm bắt hoàn cảnh học sinh có nguy cơ bỏ học để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; đồng thời, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ, giáo viên...”.
 
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh

Ở Trường THCS Cư Pui (huyện Krông Bông), tiết chào cờ đầu tuần được bắt đầu bằng các tiết mục văn nghệ do chính học sinh thể hiện. Đó là cách tạo không khí vui tươi, hứng khởi giúp các em "nạp năng lượng" cho một tuần học tập. Song song đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, như hội thi ẩm thực, trò chơi dân gian vào các ngày lễ của năm; hội thi tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; thành lập Câu lạc bộ Vovinam… để giúp học sinh có thêm sân chơi, giải tỏa căng thẳng sau giờ học.

 Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Krông Ana) lựa chọn xây dựng và lan tỏa quy tắc ứng xử, quy định văn hóa trường học đến cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh. Không chỉ thế, nhà trường còn thành lập tổ tư vấn tâm lý để tìm hiểu, lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, qua đó kịp thời hỗ trợ, sẻ chia và động viên các em; đặc biệt là với những em có dấu hiệu bỏ học vì một nguyên nhân nào đó. Với học sinh cá biệt, học sinh học lực yếu, các giáo viên có sự quan tâm đặc biệt để giúp các em tiến bộ. Mặc khác, để kịp thời hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn, Đoàn trường đã đứng ra tổ chức gây quỹ ủng hộ (nuôi heo đất, thu gom phế liệu); phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân quyên góp trao học bổng, quà hỗ trợ…

Thực tế cho thấy, hiện nay nền giáo dục đang từng bước được đổi mới một cách tích cực. Mỗi thầy cô giáo không chỉ đơn thuần là người truyền thụ kiến thức, mà trở thành người định hướng, dẫn đường và truyền cảm hứng để từ đó học sinh có động lực trong học tập. Bản thân các em cũng có khá nhiều thời gian ở trường, nhưng nếu chỉ học ở trường thì chưa đủ mà các em còn phải ôn bài cũ, đọc trước bài mới tại nhà để có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức bài mới. Do đó, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của giáo viên, nhà trường, thì sự giám sát, đôn đốc của gia đình rất quan trọng.  Cùng với đó, cần sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ việc xóa đói giảm nghèo; quản lý chặt chẽ việc trẻ em lao động sớm; nâng cao nhận thức của người dân để họ quan tâm việc học tập con em mình; đấu tranh chống những quan niệm và tập quán lạc hậu, nhất là nạn tảo hôn… mới phần nào khắc phục được tình trạng các em bỏ học như hiện nay.

 

Thúy Hồng - Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.