Multimedia Đọc Báo in

Phòng tránh bệnh suy thận mạn

08:24, 26/03/2023

Suy thận mạn là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn. Nếu không được điều trị thay thế như ghép thận hay lọc máu thì bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.

Đây là căn bệnh diễn tiến âm thầm với triệu chứng ban đầu khá mơ hồ khiến nhiều người bệnh không để ý. Điều này dẫn đến hậu quả là phát hiện bệnh khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, không còn khả năng chữa trị để phục hồi chức năng thận.

Thận là một bộ phận của hệ tiết niệu, có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể. Thận lọc máu, thải độc cho cơ thể. Các chất thải sẽ được bài tiết ra ngoài qua nước tiểu. Ngoài ra, thận còn cân bằng lượng nước, điều hòa chuyển hóa can xi, điều chỉnh huyết áp. Khi chức năng của thận bị suy yếu, không còn đủ khả năng thực hiện vai trò của nó thì sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ), có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh suy thận mạn gồm: bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và các bệnh lý về thận như viêm cầu thận, thận kẽ, bệnh thận đa nang, thận ứ nước, sỏi thận… điều trị không triệt để hoặc không được điều trị. Bệnh thường có những triệu chứng như: Mệt mỏi, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, đi tiểu nhiều, lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có bọt, sưng phù chân hoặc toàn bộ cơ thể, da xanh xao do thiếu máu… Các biểu hiện này diễn ra âm thầm, khó nhận diện sớm. “Thực tế nhiều trường hợp, bệnh nhân cảm thấy sốc, hoang mang và lo lắng khi được chẩn đoán là mắc bệnh suy thận mạn ngay lần đầu tiên đi khám bệnh. Sự thật là họ đã có biểu hiện bệnh từ trước nhưng thường bỏ qua, đến khi xuất hiện các triệu chứng rõ rệt thì bệnh đã ở giai đoạn nặng. Khi đã bị suy thận mạn thì chức năng thận không thể phục hồi mà phải dùng các biện pháp thay thế thận, phổ biến nhất hiện nay là chạy thận nhân tạo”, bác sĩ Nguyễn Minh Nhựt nói.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ. Ảnh: Đình Thi

Ông Phạm Đình T. (55 tuổi, ở huyện Ea H’leo) là một trường hợp điển hình. Cách đây 5 năm, ông T. đi khám bệnh ở TP. Hồ Chí Minh và được xác định bị bệnh thận mạn tính, phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống. Trước đó ông thấy người hay mệt mỏi, thường đi tiểu đêm nhưng nghĩ rằng đó là do hậu quả của việc đi nhậu nên ông không mấy quan tâm. Đến khi cơ thể suy kiệt, ông mới đi khám bệnh. Ông T. cho biết, năm nào cơ quan ông cũng tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhưng vì cảm thấy bản thân vẫn khỏe nên ông chủ quan, nhiều năm không tham gia khám. Lúc nghe bác sĩ thông báo, ông quá bất ngờ và không tin vào kết quả. Gần 5 năm nay, cứ một tuần 3 lần, ông đi từ huyện Ea H’leo đến Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ để chạy thận nhân tạo. Ông T. phải xin nghỉ hưu non và vì sức khỏe đã giảm hẳn. Hay như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị T. (77 tuổi, ở huyện Krông Năng), cách đây 4 năm, bà thấy trong người thường xuyên mệt mỏi nhưng cho rằng đây là dấu hiệu của tuổi già nên bà chỉ mua thuốc bổ về uống. Một lần về thăm quê ở Nghệ An, bà T. thấy người yếu nên đi khám bệnh thì phát hiện bị suy thận mạn. Theo bà T., bản thân bà vốn có nhiều bệnh trong người nên khi thấy sức khỏe giảm sút bà cũng không lưu tâm. Khi nghe bác sĩ nói bị suy thận mạn bà chỉ nghĩ đến cái chết. Sau khi được chạy thận nhân tạo, sức khỏe bà đã cải thiện hơn nhiều.

Chạy thận nhân tạo là việc sử dụng máy có chức năng như một quả thận để thực hiện việc lọc máu trong cơ thể. Khi bệnh nhân thực hiện phương pháp chạy thận nhân tạo, thời gian sinh hoạt sẽ bị đảo lộn. Một người chạy thận nhân tạo phải đến bệnh viện từ 1 - 3 lần mỗi tuần để lọc máu, mỗi lần kéo dài khoảng 4 giờ, thời gian còn lại họ vẫn có thể sinh hoạt bình thường như những người khác. Nhưng bệnh nhân sẽ phải gắn liền với việc điều trị này suốt đời, gây tốn kém thời gian, tiền bạc.

Bác sĩ Nguyễn Minh Nhựt cho biết trước đây, suy thận mạn là bệnh của người lớn tuổi, thường từ 50 tuổi trở lên nhưng những năm gần đây, lượng người trẻ dưới 30 tuổi mắc căn bệnh này ngày càng tăng. Nguyên nhân là do người trẻ thường chủ quan với những triệu chứng bệnh nên không đi khám. Bên cạnh đó, lối sống không lành mạnh như uống bia, rượu, hút thuốc lá, sử dụng nhiều thức ăn chế biến sẵn, tự ý dùng thuốc chữa bệnh… cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn.

Để dự phòng căn bệnh này, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo: Kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp đối với bệnh nhân mắc hai bệnh này; tránh để thừa cân, béo phì; tập thể dục thể thao đều đặn; hạn chế bia, rượu, không hút thuốc lá; uống đủ nước, từ 1,5 - 2 lít/ngày. Cùng với đó, cần giảm lượng muối trong khẩu phần ăn (ăn nhạt); không dùng thuốc giảm đau bừa bãi; quan tâm hơn đến sức khỏe bản thân, nếu thấy dấu hiệu bất thường, dù nhỏ cũng nên đi khám.

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc