Multimedia Đọc Báo in

Trẻ bỏ nhà đi và trách nhiệm của người lớn

08:10, 26/03/2023

Từ đầu tháng 3/2023 đến nay, trên mạng xã hội có nhiều tài khoản đăng thông báo tìm con và nhờ cộng đồng mạng chia sẻ giúp. Điều khiến dư luận lo lắng, những đứa trẻ "mất tích" này đều là trẻ em gái khoảng từ 13 - 16 tuổi, đang còn đi học.

Sự “mất tích” bí ẩn

Sáng 17/3, trên các diễn đàn, mạng xã hội đã đăng, chia sẻ bài viết của gia đình cháu N.L.D.T. (14 tuổi, ở tổ dân phố 10, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) về việc con gái đi chơi với bạn từ chiều 16/3 nhưng chưa về nhà. Gia đình đã tìm kiếm những nơi cháu T. hay tới và hỏi han bạn bè nhưng vẫn chưa có thông tin gì.

Gia đình em Đ.K.H. (14 tuổi, ở thôn 1, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) cũng đứng ngồi không yên bởi gần 10 ngày qua vẫn chưa thấy em H. trở về nhà. Công an xã Ea Kpam thông tin, đơn vị nhận được đơn trình báo của gia đình và đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an huyện để tìm kiếm cháu H.. Theo tìm hiểu của phóng viên, đây không phải là lần đầu em H. bỏ nhà đi, song lần đi này (từ ngày 12/3) không có liên hệ gì về cho gia đình.

Hay như mới đây, Ban Giám hiệu Trường THCS Hùng Vương (TP. Buôn Ma Thuột) đã báo cáo giải trình lên Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột về vụ việc một học sinh của trường bỗng nhiên “mất tích”. Theo bản giải trình, sáng 9/3, Ban Giám hiệu nhà trường có tiếp nhận thông tin từ soeur (ma sơ) Thủy (người giám hộ học sinh lưu trú) phụ trách tại cơ sở lưu trú Hòa Bình (phường Tân Tiến) về sự việc em T.N.D.N., học sinh lớp 9 đã không về nơi lưu trú sau buổi học ngày 8/3. Sau khi nhận được thông tin, nhà trường phối hợp với soeur phụ trách và phụ huynh của em N. để tìm hiểu sự việc, và trình báo cho Công an phường Tự An về sự việc của học sinh này. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, người giám hộ, bạn bè của em N. cho biết, trong buổi học ngày 8/3 em N. không có biểu hiện gì bất thường.

Trong lúc gia đình nháo nhào tìm kiếm, lực lượng công an khẩn trương vào cuộc thì chiều 13/3 em N. đột ngột trở về. Khi được gia đình “gặng” hỏi, em N. chỉ trả lời: “Con đi làm!”.

Cha mẹ cũng phải học kỹ năng ứng xử

Hành động bỏ nhà đi thường xảy ra ở trẻ tuổi vị thành niên, vì ở lứa tuổi này nhận thức của trẻ chưa phát triển đầy đủ để có thể nghĩ đến hậu quả. Trong nhiều trường hợp trẻ vị thành niên bỏ nhà đi, có không ít trường hợp "mất tích" luôn hoặc rất nhiều năm sau mới trở về với gia đình. Việc trẻ vị thành niên bỏ nhà đi có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng: nguy cơ bị xâm hại, bạo hành, bị bắt cóc, bị lừa, sa vào các tệ nạn xã hội… gây xáo trộn cho gia đình và hoang mang, bất ổn cho xã hội.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh hướng dẫn học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (huyện Krông Pắc) các biện pháp phòng thân. Ảnh: Hà Anh

Theo TS. Vũ Thị Vân, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Tây Nguyên, phụ huynh thường đổ lỗi cho nhà trường quản lý lỏng lẻo, thế nhưng khi lực lượng chức năng vào cuộc mới vỡ lẽ con cái họ chủ yếu là... tự ý bỏ nhà đi mà cha mẹ không hay biết! Qua những vụ việc này gióng lên hồi chuông về cách dạy dỗ, chăm sóc của phụ huynh đối với con cái, nhất là đối với các em trong độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý chưa ổn định, dễ bốc đồng và hành động thiếu suy nghĩ.

Có nhiều nguyên nhân khiến các em mu bỏ nhà đi như: nghe theo bạn bè, muốn "khẳng định" cái tôi bản thân, không được ba mẹ chấp nhận một điều kiện nào đó… "Chúng ta chưa bàn đến đối tượng dụ dỗ, bởi khi dụ dỗ, họ có rất nhiều hình thức “hấp dẫn” đối với đối tượng bị dụ dỗ. Đối với các bé gái có thể vì tò mò chuyện tình cảm, vì ham thích điều gì đó mới lạ, hấp dẫn, có thể là vật chất...", TS. Vân phân tích.

Xét góc độ tâm lý, ở tuổi dậy thì các em có nhiều biến động, thường có xu hướng đẩy quan hệ với bạn bè lên hàng đầu, sau đó mới đến mối quan hệ với cha mẹ. Tức là, các em coi trọng việc được bạn bè yêu mến, được tôn sùng nên dễ rơi vào tâm lý trầm cảm khi bị bạn bè tẩy chay. Vậy nên một khi bị thách đố, các em phản ứng lại bằng việc chứng minh, thể hiện tính người lớn trước mặt bạn bè. Thêm nữa, trong độ tuổi dậy thì, các em thường cho rằng bản thân đã trưởng thành và muốn được bố mẹ tôn trọng, công nhận. Do đó, ngay khi còn nhỏ, cha mẹ phải giáo dục và trở thành người “bạn thân” của con mình, cùng nhau tạo ra mối quan hệ khăng khít giữa cha mẹ và con cái. Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái nếu không được xây dựng trước hoặc không bền vững sẽ tạo ra “khủng hoảng tuổi dậy thì”. Đơn cử như nếu không được cha mẹ đáp ứng nhu cầu mua đồ chơi, trẻ sẽ khóc. Lúc này, thay vì khuyên bảo, cha mẹ lại đáp ứng. Lâu dần sự đáp ứng này dần hình thành tính cách của trẻ. Ở bậc tiểu học tính cách này chưa bộc lộ, nhưng đến độ tuổi bậc THCS tính cách này thể hiện rõ ràng.

TS. Vân khuyến cáo, khi các em trở về nhà, với sức khỏe, tâm lý bình thường, gia đình nên quan tâm, hỏi han đúng mực. Còn nếu các em mang trong mình nỗi trầm tư hay những “sang chấn” tâm lý nặng nề, gia đình cần có giải pháp xử lý phù hợp. Đặc biệt, không nên mang lỗi lầm đã mắc phải của con em để minh chứng cho hành động sai trái tiếp theo. Vì vậy, không chỉ con cái mà cả cha mẹ đều phải học kỹ năng ứng xử, giao tiếp.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.