Báo động nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Sự trà trộn khó nhận biết giữa thực phẩm "bẩn" – thực phẩm sạch, hàng giả – hàng thật trên thị trường và những thói quen như xu hướng ăn nhanh, uống vội đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Nỗi lo thường trực
Dạo một vòng quanh những con phố có nhiều dịch vụ, quán ăn uống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, đặc biệt là các khu vực gần trường học, chợ, nơi buôn bán sầm uất…, dễ thấy những cơ sở kinh doanh, quán ăn đường phố, vỉa hè với đủ loại đồ ăn thức uống, trong đó hầu hết đều đã được chế biến sẵn nên người tiêu dùng khó nhận biết được nguồn gốc, chất lượng thực phẩm hay quá trình chế biến có bảo đảm vệ sinh an toàn hay không.
Đơn cử như tại đường Y Nuê (phường Ea Tam), gần cổng trường học có một quán bán bánh mì, bán xôi sáng nào cũng nườm nượp khách đến mua từ học sinh đến cả người lao động, cán bộ, công chức. Người bán tay trần cắt chả, thịt rồi lại xẻ bánh mì, bốc rau… mà chỉ cần nhìn qua bằng mắt thường vẫn có thể thấy được chủ quán không bảo đảm quy định ATVSTP; còn độ "sạch" của nguyên vật liệu ra sao thì không ai biết được. Dù vậy, nhiều người vẫn xếp hàng đợi mua vì sự tiện lợi, hợp khẩu vị và giá bình dân.
Người tiêu dùng vô tư sử dụng thức ăn đường phố được chế biến sẵn. |
Hầu hết các quầy bán thức ăn đường phố có thể mở tự phát ở bất kỳ địa điểm nào tiện lợi cho người mua mà không hề có giấy phép của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, thức ăn bày bán ở lề đường, vỉa hè lại chịu tác động trực tiếp bởi thời tiết cũng như những yếu tố ô nhiễm khác từ môi trường càng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, ôi thiu nên rất dễ dẫn đến việc ngộ độc thực phẩm.
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ vụ ngộ độc do ăn bánh mì Cô Dung (TP. Buôn Ma Thuột) vào năm 2018 khiến 215 trường hợp phải nhập viện; kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm và mẫu thực phẩm gồm thịt heo, giò, chả, nước sốt, bơ, hành phi đều nhiễm vi khuẩn Salmonella. Hay năm 2021, nhiều người dân huyện Krông Ana sau khi ăn bánh mì mua tại một cửa hàng ở thị trấn Buôn Trấp đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, sốt và phải nhập viện điều trị.
Cùng với thức ăn đường phố, hiện nay ATVSTP đối với các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động cũng đang là vấn đề đáng báo động. Với sự tiện lợi, gọn gàng, mâm cỗ tùy theo giá cả túi tiền của gia chủ mà không giới hạn số lượng; đặc biệt là gia chủ sẽ không phải bận tâm đến bất cứ việc gì từ nấu nướng, phục vụ hay dọn dẹp… đã trở thành lựa chọn của nhiều gia đình khi tổ chức cưới hỏi, ma chay... Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Lê Thị Châu cho biết: “Loại hình kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động hiện nay đang phát triển tự phát, có hoặc không có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên việc quản lý đối với loại hình này ở nhiều địa phương đang còn thiếu chặt chẽ, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tập thể”.
Minh chứng là hai vụ ngộ độc trong cùng một ngày sau khi dự đám cưới trên địa bàn huyện Buôn Đôn và Krông Búk vào năm 2019 khiến trên 300 người nhập viện. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện cả hai cơ sở tổ chức tiệc cưới đều vi phạm về không có hợp đồng cung cấp nguyên liệu, không có hóa đơn chứng từ để truy xuất nguồn gốc thực phẩm... Cả hai cơ sở đều có nhiều đầu mối cung cấp nguyên liệu dẫn đến khó khăn trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm phục vụ trong các đám cưới gây ngộ độc.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Vi phạm tràn lan
Hiện nay, nguy cơ mất ATVSTP đang hiện diện từ các chợ dân sinh cho đến các cơ sở dịch vụ, cửa hàng đường phố. Điều đáng nói rất nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ không bảo đảm các yêu cầu về cơ sở vật chất, nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến và người trực tiếp chế biến thức ăn không được tập huấn kiến thức ATVSTP, kiểm tra sức khỏe định kỳ... Thế nhưng, người tiêu dùng vẫn lựa chọn với lý do thói quen, tập quán, sự tiện lợi, giá cả phù hợp với túi tiền hoặc có thể là họ không quan tâm, không biết đến những vi phạm trên của các cơ sở.
Việc không bảo đảm ATVSTP đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phòng, chống ung thư, số ca mắc ung thư tăng nhanh do 3 nguyên nhân chính, trong đó nguyên nhân do thực phẩm "bẩn" đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%. |
Trong khi đó, qua công tác kiểm tra của lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở vi phạm các quy định về ATVSTP. Đơn cử như đầu tháng 3/2023, đoàn kiểm tra số 1 do Thanh tra Sở NN-PTNT làm trưởng đoàn thực hiện việc kiểm tra ATVSTP trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Qua đó, đã phát hiện cơ sở Hộ kinh doanh giò chả Bà The vi phạm trong việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được cho phép sử dụng theo quy định nhưng vượt quá mức tối đa sử dụng theo quy định cho phép; Công ty TNHH Thương mại sản xuất Bánh mì Hà Nội vi phạm sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố...
Trước đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột cũng phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh nước giải khát, quán ăn trên địa bàn có hành vi vi phạm về: không có dụng cụ thu gom, chứa đựng nước thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; cống rãnh thoát nước thải khu vực cửa hàng, nhà bếp bị ứ đọng không được che kín; người trực tiếp chế biến thức ăn không được tập huấn kiến thức ATVSTP. Ngoài ra, lực lượng chức năng tỉnh cũng đã phát hiện hàng tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo thống kê của ngành y tế, trong năm 2022, toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra ATVSTP 8.900 cơ sở; trong đó, đã phát hiện trên 1.000 cơ sở không bảo đảm điều kiện theo quy định; đã xử phạt 121 cơ sở với tổng số tiền trên 445 triệu đồng. Sở dĩ số vụ xử phạt còn ít do công tác kiểm tra ATVSTP thức ăn đường phố đã được phân cấp cho các địa phương. Hầu hết việc xử phạt chủ yếu mới thực hiện ở tuyến tỉnh; còn tuyến huyện và tuyến xã, phường, thị trấn dường như mới chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, nhắc nhở nên chưa có tính răn đe nghiêm khắc. Hơn nữa, một số cơ sở kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, nay bán mai nghỉ, không có giấy phép kinh doanh hoặc mang tính chất lưu động nên khó quản lý.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc