Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi số - “điểm nghẽn” vùng nông thôn

08:06, 04/04/2023

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đang được đẩy mạnh với những nội dung thiết thực, tuy nhiên quá trình triển khai vẫn còn những "điểm nghẽn", nhất là ở vùng nông thôn.

Rào cản về hạ tầng kỹ thuật và trình độ, nhận thức

Xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) có gần 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên không dễ dàng tham gia quá trình chuyển đổi số. Đó là chưa kể đến chuyện hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa có điện thoại, hoặc có nhưng điện thoại chỉ có chức năng gọi điện, nhắn tin chứ không thể kết nối, truy cập Internet. Vì vậy, việc triển khai các ứng dụng số đến với người dân đang là nỗi lo lớn của chính quyền địa phương.

Người dân vùng nông thôn sử dụng điện thoại thông minh chủ yếu để truy cập mạng xã hội.

Ông Y Manh Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Drông cho hay, thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 2/4/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, xã đã thành lập ban chỉ đạo và các tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các thôn, buôn. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa làm được gì, bởi chuyển đổi số là lĩnh vực hoàn toàn mới, với nhiều nội dung và đòi hỏi phải hiểu biết sâu, có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin. Trong khi đó, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng đã xuống cấp; máy móc vừa thiếu vừa cũ nên thường xuyên hư hỏng, trục trặc. Bên cạnh đó, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng số của nhiều cán bộ còn rất hạn chế nên việc triển khai hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số như: đưa các sản phẩm, hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử; đào tạo, tập huấn để người dân tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội; tạo lập tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt… càng khó có thể thực hiện. Số người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

 

“Việc hỗ trợ lắp đặt wifi không chỉ giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức để từng bước tham gia vào quá trình chuyển đối số" - ông Trần Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc).

Tại xã Ea Ô (huyện Ea Kar), với nhiều người dân việc chuyển đổi số vẫn còn là một khái niệm mới mẻ, xa lạ. Mới có một số người dân và cán bộ, công nhân viên chức triển khai cài đặt phầm mềm thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện thủ tục qua hệ thống dịch vụ công hoặc tham gia mua bán trên mạng xã hội; còn phần lớn người dân địa phương do thói quen và trình độ nhận thức còn hạn chế nên hầu như vẫn cầm giấy tờ đến tận nơi để làm các thủ tục hành chính, dù cho nhiều lần được cán bộ xã hướng dẫn thực hiện trên hệ thống điện tử. Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đến ngày 20/3/2023 trên địa bàn xã mới chỉ kích hoạch được hơn 1.000 tài khoản trên tổng số hơn 7.000 tài khoản định danh được cấp.

Trợ lực cho người dân tham gia chuyển đổi số

Với phương châm chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực; đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc sống cũng như mở ra cơ hội để người dân tiếp cận với nền tảng công nghệ số phục vụ tốt cho cuộc sống hằng ngày, nhiều địa phương đã có những cách làm phù hợp thực tế. 

UBND xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ lắp wifi cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã theo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 của Chính phủ. Chị H’Nưh Ayun (thôn Phú Quý) phấn khởi: “Mấy hôm nay, sau khi được hỗ trợ lắp đặt wifi tận nhà, chiếc điện thoại thông minh của tôi đã phát huy được chức năng, hiệu quả. Có wifi, tôi đã biết đến nhiều thông tin xã hội hơn; đặc biệt, có thể thường xuyên liên lạc, gọi điện video với người thân ở xa. Bây giờ tôi sẽ tìm hiểu cài đặt các ứng dụng để phục vụ nhu cầu cuộc sống cũng như giải quyết các thủ tục hành chính qua mạng Internet mà không phải đi đến tận nơi như trước đây”. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, khi được Nhà nước hỗ trợ lắp đặt wifi, không phải tốn chi phí nào từ lắp đặt đến chi phí sử dụng hằng tháng nên các thành viên trong nhà ai cũng vui mừng. Được biết, xã Vụ Bổn có 456 hộ nghèo và 184 hộ cận nghèo đều được hỗ trợ lắp đặt wifi miễn phí.

Chị H’Nưh Ayun phấn khởi khi gia đình được hỗ trợ lắp đặt mạng wifi.

Tại xã Ea Ô (huyện Ea Kar), để hỗ trợ người dân tiếp cận với các ứng dụng số, ngày 24/3, UBND xã đã phối hợp với Công an xã và Đoàn xã ra mắt tổ hướng dẫn, tuyên truyền, cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Theo ông Võ Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã, các cán bộ xã và hơn 100 học sinh Trường THPT Võ Nguyên Giáp đã được hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID, cách thức đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến… Việc hướng dẫn, hỗ trợ các em học sinh là cách làm thiết thực nhất để đưa chuyển đổi số đến gần người dân; bởi các em là đối tượng tiếp thu công nghệ nhanh nhất. Sau khi các em nắm bắt được thì có thể truyền đạt, hỗ trợ lại cho các thành viên trong gia đình.

Có thể nói, chuyển đổi số là chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, xóa đi ranh giới giữa người dân ở hai khu vực. Tuy nhiên, đó là cả một quá trình lâu dài để thay đổi về nhiều mặt, từ hạ tầng kỹ thuật đến tư duy, nhận thức của cả người dân và đội ngũ cán bộ. Trước mắt cần sự quyết tâm cao của cả người dân và chính quyền; đặc biệt, trợ lực giúp người dân được tiếp cận công nghệ thông tin.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc