Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò người lính Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế

07:55, 28/04/2023

Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện M’Drắk hiện có 2.571 hội viên, sinh hoạt ở 14 tổ chức hội cơ sở và 114 chi hội. M'Drắk là một huyện nghèo nên tỷ lệ hội viên nghèo và cận nghèo của Hội vẫn còn khá nhiều. Chính vì vậy, những năm qua, bên cạnh việc chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức Hội, Hội CCB huyện còn đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Trước tiên, Hội CCB huyện tạo điều kiện cho các hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Theo đó, Hội chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để khai thác các nguồn vốn vay, phát triển sản xuất và mở rộng kinh doanh cho hội viên. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, nguồn vốn vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 120 tỷ đồng, với hàng trăm hội viên được vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, nguồn quỹ nội bộ của Hội với trên 5 tỷ đồng luân chuyển cho nhau vay đã giúp 392 hội viên vay với lãi suất thấp, tạo thêm nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống hộ gia đình hội viên.

Ông Hồ Văn Trung (bên phải) ở thôn Quyết Thắng, xã Cư M’ta trao đổi kinh nghiệm trồng tiêu với hội viên trong xã.

Cùng với đó, Hội CCB huyện thường xuyên phối hợp mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn cụ thể thông qua các hội thảo đầu bờ, tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài huyện. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua "5/1" (5 hội viên có đời sống khá giúp 1 hội viên nghèo vượt khó), qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, nhiều gương điển hình vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu hợp pháp.

Tiêu biểu như CCB Hồ Văn Trung (thôn Quyết Thắng, xã Cư M’ta). Năm 1996, sau khi xuất ngũ trở về địa phương và lập gia đình, ông bắt tay vào phát triển kinh tế để thoát cảnh đói nghèo. Ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng hơn 8 sào mía và tận dụng nguồn lá làm thức ăn chăn nuôi bò. Nhờ đó, kinh tế gia đình ông dần khá lên. Từ nguồn vốn tích lũy được, năm 2017, gia đình ông xây dựng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, với 300 trụ tiêu, 400 gốc nhãn và đào ao, đầu tư hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm nước tưới. Sau khi cây ăn quả phát triển tốt, ông xây dựng chuồng trại nuôi lợn khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường, với quy mô 180 - 200 con lợn thịt/năm. Ngoài ra, gia đình ông còn kinh doanh thêm quán tạp hóa và xay xát lúa. Hiện nay, từ tất cả các nguồn, mỗi năm gia đình ông Trung có thu nhập trên 700 triệu đồng.

Vườn vải của cựu chiến binh Đỗ Văn Lân (bên phải) ở thôn 10, xã Ea Pil.

Tương tự, CCB Đỗ Văn Lân (thôn 10, xã Ea Pil) cũng đã vươn lên làm giàu từ bàn tay trắng. Gia đình ông lập nghiệp tại xã Ea Pil từ năm 1990. Sau thời gian dài phải làm thuê kiếm sống, vào năm 2001, ông Lân đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà đệm lót sinh học kết hợp thả vườn, nuôi thử nghiệm vài trăm con gà thả vườn (giống BT2). Nhờ chăn nuôi đạt hiệu quả, đến nay trang trại của gia đình ông phát triển, nuôi bình quân trên 2.000 con/lứa, cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, từ năm 2011, gia đình ông Lân bắt đầu trồng 300 gốc vải u hồng và 200 gốc nhãn hương chi, đào hơn 1 sào ao thả cá, lấy nước tưới cho cây trồng. Gia đình ông Lân hiện đã có thu nhập trên 800 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động nông thôn.

Theo Hội CCB huyện M’Drắk, đến nay Hội có 16 mô hình sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi kết hợp; mỗi cơ sở hội có bình quân từ 2 – 3 mô hình nhỏ và vừa; có 2 doanh nghiệp, 18 gia trại CCB, tạo việc làm cho 283 lao động, có mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/lao động/tháng. Nhờ đó, nhiều hội viên từ nghèo khó đã từng bước ổn định đời sống, đến nay Hội đã có trên 535 hộ khá, giàu (chiếm 21,9%); hộ trung bình 1.055 hộ (chiếm 43,3%).…

Minh Châu - Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.