"Phủ sóng" vắc xin phòng COVID-19: Ý thức người dân là điều kiện tiên quyết
Nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành, dịch bệnh COVID-19 hiện đã được kiểm soát tốt, tuy nhiên việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng theo yêu cầu của Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.
Người dân thờ ơ
Thời gian qua, việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đã được các cấp, ngành triển khai kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập. Tính đến hiện tại, toàn tỉnh ghi nhận 174.759 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 281 ca tử vong. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 30 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, không có ca tử vong.
Con số trên cho thấy tỷ lệ người dân nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt, nguyên nhân là do tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cao, đa số người dân đã được tiêm đủ 2 mũi cơ bản và mũi nhắc lại. Tuy nhiên, chính vì diễn biến dịch bệnh có chiều hướng “hạ nhiệt” nên người dân xuất hiện tâm lý chủ quan, thờ ơ với việc tiêm vắc xin, nhất là ở nhóm đối tượng từ 5 - 17 tuổi.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh THCS trên địa bàn tỉnh. |
Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến ngày 27/3/2023, tổng số mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19 toàn tỉnh đã thực hiện là 4.744.061 liều, số vắc xin tồn chưa sử dụng là 28.310 liều. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 78,3%; nhóm tuổi 12 - 17 tuổi tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt 85,3%; nhóm tuổi 5 - 11 tuổi tỷ lệ tiêm mũi 2 mới chỉ đạt 68,8%.
“Hiện nay dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi trên địa bàn tỉnh liên tục diễn ra các lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao kỷ niệm các ngày lễ lớn, nguy cơ dịch bùng phát trở lại là hiện hữu. Do đó, cùng với chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, người dân cần nâng cao ý thức tiêm các mũi bổ sung, nhắc lại vắc xin phòng COVID-19”- bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Theo ông Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, thời gian qua, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố có thời điểm bị gián đoạn trong quá trình phân bổ đã ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ tiêm chủng. Tuy nhiên, hiện nay để hoàn thành mục tiêu "phủ sóng" vắc xin phòng COVID-19 thì ý thức người dân vẫn là điều kiện tiên quyết. “Hiện tại, vắc xin phân bổ về đến đâu được tiêm hết đến đó, tuy nhiên thời gian tiêm kéo dài, có khi cả tháng mới hết một đợt vắc xin. Thêm vào đó, khi người dân có nhu cầu tiêm vắc xin cán bộ y tế phải triển khai tiêm ngay dẫu chưa đủ số người dẫn đến tình trạng hao phí vắc xin. Ví dụ như một lọ vắc xin được sử dụng cho 10 người, trong khi ngày hôm đó chỉ có 5 - 6 người đến tiêm thì số vắc xin còn trong lọ lại phải tiêu hủy. Trong đợt này, số liều vắc xin AstraZeneca thành phố được cấp là gần 1.000 liều nhưng chỉ tiêm cho khoảng 600 người, tỷ lệ hao phí vắc xin gần như là gấp đôi” - ông Hùng dẫn chứng.
Cần có sự vào cuộc đồng bộ
Tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2023 vừa qua, nói về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương cho rằng bên cạnh vấn đề cần phải nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động tiêm vắc xin thì sự tham gia vào cuộc của ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp là hết sức quan trọng.
Hiện nay, ngành y tế đã huy động nhân lực tại trạm y tế xã, phường, cộng tác viên y tế “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để không bỏ lọt, sót đối tượng tiêm chủng nhưng số người dân hưởng ứng không nhiều. Trong khi đó, lượng vắc xin phân bổ về có hạn sử dụng khá ngắn. Để tránh tình trạng vắc xin quá hạn phải trả lại, ngành y tế gần như phải “chạy đua” với công tác tiêm chủng.
Học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột tìm hiểu thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. |
Nhiều ý kiến khác cho rằng, để điều trị "căn bệnh" thờ ơ với việc tiêm vắc xin của người dân cần có chế tài xử lý, tuy nhiên, vắc xin phòng COVID-19 hiện chưa nằm trong danh mục vắc xin bắt buộc tiêm nên không thể tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với đối tượng không thực hiện tiêm chủng. Mặt khác, công tác phối hợp liên ngành tại cơ sở chưa chặt chẽ, khiến việc triển khai tiêm vắc xin gặp rất nhiều khó khăn, nhất là cho trẻ em trong độ tuổi đến trường.
Theo bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2023 là bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch COVID-19, các cấp ngành cần tiếp tục chủ động điều tra các nhóm đối tượng theo độ tuổi trong diện được tiêm chủng; xác định số đối tượng bị mắc COVID-19 (F0), đi khỏi nơi cư trú, số đối tượng không đồng ý tiêm chủng (có giấy cam kết của đối tượng), số đối tượng đã đến lịch tiêm chủng cần tiêm; lập danh sách các nhóm đối tượng tại cộng đồng, trường học, các cơ quan, đoàn thể… báo cáo ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương để triển khai thực hiện tiêm chủng. Đồng thời, bố trí nhân lực thực hiện tiêm chủng “chiến dịch” tại trạm y tế, nhà cộng đồng, bệnh viện công và tư, trường học, cơ quan, khu công nghiệp, quân đội… Cùng với đó, tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm tuổi nhằm đạt được các chỉ tiêu đề ra.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc