Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng: Sẽ cưỡng chế, thu hồi đất vào ngày 19/4

15:43, 12/04/2023

Sáng 12/4, UBND huyện M’Drắk đã tổ chức họp báo thông tin cưỡng chế các trường hợp không chấp hành quyết định thu hồi đất để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng tại thôn 9, 10, 11 của xã Cư San (đợt 1 – giai đoạn 2). Phó Chủ tịch UBND huyện M’Drắk Nguyễn Đức Thảo chủ trì buổi họp báo.

Theo báo cáo về kết quả tuyên truyền, vận động trước khi ban hành quyết định cưỡng chế, từ ngày 6/2 đến 7/3, chính quyền địa phương đã vận động, tuyên truyền, thuyết phục các hộ nhận tiền đền bù, bốc thăm, di dời đến khu tái định cư số 2 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar), với tổng số 52 hộ đăng ký trong tháng 3 năm 2023 (46 hộ đã đi tái định cư và 6 hộ tự đi nơi khác). Ngày 9/3, UBND huyện M’Drắk ban hành quyết định cưỡng chế 178 hộ và ban hành quyết định thành lập Ban cưỡng chế thu hồi đất. Từ ngày 13/3 đến 3/4, đã vận động đối thoại, thuyết phục được 138 hộ đi tái định cư và đăng ký đi tái định cư đến ngày 15/4 (122 hộ đi tái định cư số 2 và 16 hộ đi ngoài khu tái định cư).

Trong 230 hộ phải di dân, tái định cư trong đợt 1 – giai đoạn 2 thì tính đến ngày 12/4, đã có 202 hộ đã đi tái định cư và đi nơi khác; chỉ còn 28 hộ chưa chấp hành đi tái định cư nên sẽ phải thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất. Thời gian thực hiện cưỡng chế dự kiến vào ngày 19/4/2023. UBND huyện M’Drắk cũng đã có phương án cưỡng chế, thu hồi đất một cách cụ thể, rõ ràng, chi tiết, đúng quy định.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Thảo phát biểu tại cuộc họp báo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Thảo phát biểu tại cuộc họp báo.

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí đã đặt ra một số câu hỏi liên quan, như: nguyên nhân các hộ dân chưa chịu chấp hành quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án; tiến độ xây dựng, điều kiện cơ sở vật chất của khu tái định cư số 2; công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn của người dân và các lực lượng nếu phải tổ chức cưỡng chế; công tác truyền thông liên quan đến việc cưỡng chế, đặc biệt là các thông tin trái chiều và việc người dân đăng tải lên các trang mạng xã hội…

Nhà báo Phan Anh Dũng, Trưởng Cơ quan thường trú Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Đắk Lắk đặt câu hỏi tại buổi họp báo.
Nhà báo Phan Anh Dũng, Trưởng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Đắk Lắk đặt câu hỏi tại buổi họp báo.

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND huyện M'Drắk Nguyễn Đức Thảo đã ghi nhận và trả lời ý kiến của các cơ quan báo chí. Thời gian từ nay đến trước ngày 19/4, Ban cưỡng chế huyện sẽ tiếp tục vận động, thuyết phục người dân tự nguyện di dời tới khu tái định cư. Trường hợp các hộ dân vẫn cố tình không chấp hành thì sẽ tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất theo đúng quy định.

Trước đó, trong đợt 2 - giai đoạn 1, Ban cưỡng chế thu hồi đất của huyện đã vận động, thuyết phục được 30 hộ tự nguyện di dời đến khu tái đinh cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar); còn 3 hộ với 11 khẩu (tại thôn 10) không chấp hành việc di dời, nên UBND huyện M’Drắk đã phải thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất vào ngày 14/2/2023.

Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt từ năm 2009; đến năm 2018 phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng (giai đoạn 1). Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới cho gần 15.000 ha đất nông nghiệp; tăng hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống cho 9.620 hộ trong vùng hưởng lợi; điều hoà, giảm lũ, phòng chống úng cho hạ du, tạo cảnh quan du lịch, nuôi trồng thủy sản.

Tại huyện M’Drắk, dự án ảnh hưởng tới thôn 9, 10, 11 (xã Cư San) khoảng 702 hộ (chưa tính hộ xâm canh) với diện tích 580 ha và tại thôn 5 (xã Krông Á) với diện tích thu hồi 170 ha.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.