Multimedia Đọc Báo in

Cho vùng biên thêm xanh

08:23, 16/05/2023

Huyện biên giới Buôn Đôn có điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng nhưng tỷ lệ cây xanh che bóng mát khá thấp, vì vậy huyện đã và đang nỗ lực trồng cây gây rừng, tạo không gian xanh cho địa phương, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch.

Từ nhiều năm nay, hai bên đường từ ngã ba Nhà cộng đồng buôn Trí đến Khu du lịch Cầu treo Buôn Đôn không có một bóng cây xanh.

Du khách khi vào tham quan, du lịch tại Cầu treo Buôn Đôn đều có thể cảm nhận không khí oi bức khi mới rẽ vào, còn mỗi khi địa phương có dịp tổ chức các lễ hội tại đây thì khán giả cũng chỉ biết đội nắng theo dõi những hoạt động tại Nhà cộng đồng.

Là doanh nghiệp có chi nhánh kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại địa phương, Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 nhận ra “khoảng trống” này nên đầu tháng 3/2023 đã đầu tư kinh phí trên 76 triệu đồng trồng 160 cây hoa chăm pa, osaka vàng và cây sao đen tại dọc hai bên đoạn đường này với tổng chiều dài khoảng 600 m. Các cây trồng đều được Công ty chọn lựa kỹ lưỡng nhằm đủ khả năng chống chọi, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của vùng biên.

Để cây bảo đảm sinh trưởng, phát triển tốt, Công ty thuê nhân công, thường xuyên tưới nước, bón phân, chăm sóc, đồng thời lực lượng đoàn viên thanh niên theo dõi, kiểm tra thường xuyên. Theo dự tính, khoảng vài ba năm nữa, trục đường này sẽ đổi thay với hai hàng cây bên đường đủ tỏa bóng râm, che mát và trở thành một “điểm nhấn” trong bức tranh du lịch chung của địa phương.

Lãnh đạo huyện Buôn Đôn, Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 trồng cây xanh từ ngã ba Nhà cộng đồng buôn Trí đến Khu du lịch Cầu treo Buôn Đôn.

Bên cạnh đó Công ty còn tặng 60 cây khác cho các hộ dân ở buôn Trí để trồng trong khuôn viên nhà, hoặc trước cổng, tạo dựng cảnh quan môi trường, tất cả cùng chung tay, góp phần phủ xanh đất trống, làm dịu cái nóng bức miền biên ải. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đỗ Văn Hùng chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng việc làm tuy nhỏ này đem lại lợi ích dài lâu không chỉ cho Công ty mà còn góp phần nâng cao ý thức người dân địa phương để tất cả cùng trách nhiệm, chung tay tham gia hưởng ứng bảo vệ môi trường sống của chính mình và trái đất”.

Còn tại Đại đội Bộ binh 5 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn), từ nhiều năm trước, đơn vị đã trồng hàng nghìn cây xanh các loại, trong đó có khoảng 2.000 cây gỗ quý như sưa, hương, lim. Mọi người có dịp vào tham quan đơn vị đều cảm nhận được không khí trong lành, mát dịu giữa cái nắng cháy bỏng, khô rát của huyện vùng biên nhờ những tán cây cao lớn, có cây gốc to đến hai người ôm tỏa rợp bóng mát. Còn nhớ những ngày đầu trồng cây rất vất vả, cây giống nhỏ, đất đai cằn cỗi, bạc màu, sỏi đá, có thời điểm bị khô hạn, chiến sĩ đơn vị phải xuống suối gần đó, gánh từng thùng nước tưới cây hằng ngày. Thành quả của một thời gian dài kiên trì chăm sóc ấy không chỉ góp phần phủ xanh diện tích không nhỏ của địa phương, mà còn tạo không gian, cảnh quan đơn vị xanh – đẹp, mát mẻ, cán bộ, chiến sĩ có không gian thư giãn, nghỉ ngơi sau khi huấn luyện, học tập.

Đoàn viên thanh niên Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 trồng cây xanh, tạo bóng mát ở huyện biên giới Buôn Đôn.

Năm 2012, Hội Cựu chiến binh xã Ea Huar đã trồng 140 cây xà cừ dọc đường liên thôn dài hơn 5 km mang tên “Hàng cây nhớ ơn Bác”, chạy từ buôn Nà Xược (xã Ea Huar) đến đập tràn đường đi buôn Cháy (xã Ea M’droh, huyện Cư M'gar) nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Nhờ bàn tay cần mẫn chăm bón của những cựu chiến binh mà sau hơn 10 năm, hàng xà cừ đã cao lớn, tỏa bóng mát, làm dịu cái nắng nóng cho người qua lại, góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí về môi trường.

Nhận thức ý nghĩa quan trọng, lợi ích lâu dài của việc trồng cây xanh, phủ xanh đất trống, tạo cảnh quan môi trường xanh – đẹp, thời gian qua song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, huyện Buôn Đôn đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực hưởng ứng, duy trì, phát động phong trào trồng cây xanh vào đúng dịp sinh nhật Bác 19/5 hằng năm; hướng đến mục tiêu, phương châm “Mỗi người trồng và chăm sóc ít nhất một cây xanh, mỗi nhà góp một mảng xanh, mỗi khu dân cư góp một vùng xanh”, nhằm thiết thực cải thiện, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nơi vùng biên giới.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.