Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo “Bảo tàng nấm” ở Tây Nguyên

08:17, 25/05/2023

Với mong muốn tạo nguồn dữ liệu phong phú phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và hỗ trợ người dân tìm hiểu thông tin về nấm ở Tây Nguyên, PGS.TS. Nguyễn Phương Đại Nguyên, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường Đại học Tây Nguyên đã gây dựng nên “Bảo tàng nấm” với hàng nghìn loại nấm được thu thập từ các tỉnh Tây Nguyên.

"Kho báu" tiêu bản nấm

Nằm trong khuôn viên Trường Đại học Tây Nguyên, “Bảo tàng nấm” hiện tại mới chỉ là căn phòng rộng khoảng 20 m2 nhưng đã có hơn 2.000 tiêu bản nấm với khoảng 200 loài khác nhau. Điểm độc đáo của "Bảo tàng nấm" là khi tham quan, người xem tận mắt thấy các tiêu bản nấm được bảo quản khoa học với các thông tin liên quan đến vị trí thu thập; giá trị sử dụng của từng loại; là nấm độc hay không; độ ẩm khi thu thập; số lượng, khối lượng mẫu…

PGS - TS. Nguyễn Phương Đại Nguyên thu thập mẫu nấm để nghiên cứu.

PGS.TS. Nguyễn Phương Đại Nguyên được ví như cha đẻ của “Bảo tàng nấm” bởi ông là người đặt những bước đi đầu tiên cho việc thu thập, tích trữ, trưng bày các tiêu bản nấm phục vụ cho hoạt động tham quan, nghiên cứu này.

Cụ thể, năm 2009, khi làm luận án tiến sĩ với đề tài về nội dung đa dạng các loài Nấm lớn (hay còn gọi là nấm thể quả), ông đã lặn lội vào các cánh rừng trong vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên ở Tây Nguyên để tìm kiếm, đưa từng mẫu nấm về để nghiên cứu các đặc trưng của nấm… Trong quá trình đi thực tế đó, ông tận mắt thấy hàng trăm loại nấm khác nhau mọc khắp các cánh rừng già ở Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai…

Với đặc trưng khí hậu nhiệt đới, á nhiệt đới ở khu vực Tây Nguyên, chỉ cần một trận mưa tạo đủ độ ẩm trong đất và không khí, nấm đua nhau mọc lên dưới gốc cây, trên thân gỗ mục đủ màu sắc từ vàng tới trắng, đỏ, đen… thuộc nhiều họ. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi diện tích rừng suy giảm cùng với biến đổi khí hậu khiến thời tiết khô hơn làm cho nấm khó mọc hơn. Do đó, câu chuyện “nấm mọc sau mưa” không còn đúng với một số vùng vốn là nơi nấm sinh trưởng nữa.

Chưa kể, do nhu cầu sử dụng tăng cao khiến người dân đổ xô đi săn lùng nấm, nhất là nấm linh chi (nấm sinh trưởng chậm, lâu năm) khiến nấm không đủ thời gian để phát triển dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Trong khi đó, người bán nấm khai thác từ tự nhiên nhiều nhưng lại không am hiểu và phân biệt được nấm dược liệu với loại nấm khác, nếu dùng không đúng thì nấm dược liệu sẽ phản tác dụng, rất nguy hiểm…

Ngoài gây dựng các tiêu bản về nấm tại “Bảo tàng nấm” của trường, PGS.TS. Nguyễn Phương Đại Nguyên còn hỗ trợ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (TP. Hà Nội) một số tiêu bản về nấm để trưng bày.

Từ thực tế đó, PGS.TS. Nguyên đã nghĩ ra cách lưu giữ và trưng bày mẫu vật nấm mà mình đã nghiên cứu; đồng thời, cùng với cộng sự là sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của trường thực hiện các đề tài liên quan về nấm, lưu trữ mẫu thu thập được thành những tiêu bản theo lộ trình. Cụ thể, giai đoạn 2009 – 2013 chủ yếu là nghiên cứu về nấm gỗ; sau đó là nấm thịt, nấm bì dai… Các tiêu bản nấm được thực hiện theo phương pháp làm tiêu bản của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam; sau đó chuyển sang ngâm cồn 70 độ đối với nấm chất thịt và dạng tiêu bản khô đối với các loại nấm khác. 

Số hóa “Bảo tàng nấm”

Tây Nguyên rất đa dạng về Nấm lớn, đa số các họ nấm đều xuất hiện ở đây. PGS.TS. Nguyên đặc biệt quan tâm đến thông tin về nấm bởi nấm nhiều vô kể, xen lẫn giữa nấm ăn được, nấm dược liệu là nấm độc, chỉ dùng một lượng rất nhỏ đã có thể gây nguy hiểm tính mạng. Điều đó đã được PGS.TS. Nguyên nghiên cứu, thực hiện dựa vào đề tài “Các loại nấm độc ở Tây Nguyên”; cụ thể là xây dựng danh mục các loại nấm độc thành cuốn sổ tay có đầy đủ hình ảnh, thông tin để gửi cho các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên ở Tây Nguyên; tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên ở các đơn vị, địa phương về thông tin thực tế, khoa học để người dân nhận biết nhằm tránh sự nhầm lẫn khi sử dụng nấm độc. Song hành với đó là khai thác các giá trị nấm mang lại bởi mỗi loại nấm có những đặc tính riêng; tùy vào mục tiêu của sản phẩm hướng tới mà có cách nuôi trồng khoa học, phù hợp để tăng hoạt chất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả giải độc hay điều trị bệnh.

PGS.TS. Nguyễn Phương Đại Nguyên giới thiệu cho sinh viên về các loại nấm thịt tại "Bảo tàng nấm".

Thời gian tới, PGS.TS. Nguyên dự định xây dựng trang web về các loại nấm ở Tây Nguyên; dán mã QR trên các tiêu bản nấm; khi quét mã sẽ hiển thị tất cả các thông tin liên quan đến loài nấm đó. Đồng thời, xây dựng vị trí của các tiêu bản nấm trên bản đồ theo hệ thống, tiểu cảnh phù hợp với môi trường phát triển của từng loại nấm. Khi sinh viên hoặc người dân có nhu cầu tìm hiểu về nấm thì có thể truy cập và tìm kiếm dữ liệu. Đây sẽ là tiền đề thú vị để phổ cập thông tin cho người dân; giúp nghiên cứu sinh sau đại học có tư liệu khoa học khi tìm hiểu về nấm.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.