Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H’leo: Đổi mới tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội

07:54, 15/05/2023

Trước những khó khăn trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), nhất là BHXH tự nguyện, BHXH huyện Ea H’leo đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động, người dân, đối tượng thụ hưởng về các chính sách, lợi ích để góp phần nâng cao tỷ lệ người dân tham gia.

BHXH huyện Ea H'leo đã triển khai nhiều hoạt động; linh hoạt, đổi mới và đa dạng nội dung, cách thức tuyên truyền để phù hợp với từng nhóm chủ thể, đặc điểm từng khu vực thôn, buôn. Trong đó, tập trung phối hợp với UBND các xã đi đến từng khu dân cư để tuyên truyền, góp phần tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình triển khai chính sách BHXH; đặc biệt là gia tăng đối tượng tham BHXH tự nguyện.

Qua các hội nghị tuyên truyền, đối thoại, cán bộ BHXH đã tập trung giới thiệu các nội dung chính của chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng như đối tượng, mức đóng, phương thức đóng, thủ tục tham gia, chế độ và quyền lợi được hưởng khi tham gia; nhấn mạnh tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện vì mục đích bảo đảm an sinh xã hội, quá trình tham gia được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng và quyền lợi thụ hưởng khi đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí…

Cán bộ BHXH huyện Ea H'leo và nhân viên thu tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân.

Bà Nguyễn Thị Thìn (thị trấn Ea Drăng) chia sẻ: "Năm 2022, sau khi được tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, nhận thấy lợi ích thiết thực của loại hình bảo hiểm này nên tôi đã quyết định tham gia với mức đóng gần 400.000 đồng/tháng. Số tiền này phù hợp với khả năng tài chính của gia đình nên tôi sẽ tiếp tục tham gia đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu".

Cùng với việc phát triển BHXH tự nguyện, chính sách BHXH bắt buộc cũng được BHXH huyện triển khai, tuyên truyền đến các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm góp phần giữ vững đối tượng đã tham gia, phát triển đối tượng tham gia mới. Đơn cử như tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành có 400 lao động đều được tham gia BHXH theo quy định. Nhiều lao động nữ tại công ty chia sẻ rằng, nhờ được đơn vị tham gia đầy đủ các loại BHXH nên mỗi lần nghỉ thai sản, hay không may bị ốm đau, bệnh tật đều được nghỉ chế độ mà vẫn hưởng đầy đủ các quyền lợi. Ðặc biệt, trong đợt dịch bệnh COVID-19, các công nhân lao động đều được hưởng các khoản tiền hỗ trợ theo quy định.

Ông Lê Tấn Kiểm, Giám đốc BHXH huyện cho biết, tính đến cuối tháng 5/2023, toàn huyện có 5.578 người tham gia BHXH bắt buộc; 1.221 người tham gia BHXH tự nguyện. Dù số lượng người dân tham gia BHXH tự nguyện có phát triển nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn so với số lao động trong độ tuổi thực tế trên địa bàn huyện. Nguyên nhân ngoài việc nhận thức của nhiều người dân còn hạn chế thì một phần do đời sống kinh tế của họ còn nhiều khó khăn nên chưa mặn mà tham gia. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự chủ động, kịp thời nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động…

Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành.

Để khắc phục những hạn chế nói trên, để chính sách BHXH hấp dẫn hơn, thu hút nhiều người tham gia, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các cơ quan chức năng đề xuất mở rộng, bổ sung chế độ, tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH bắt buộc và cả tự nguyện. Cùng với đó, ngành BHXH huyện cũng tích cực phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tăng số người tham gia BHXH. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm người dân, người lao động và người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.