Kiểm soát bạo lực học đường từ bên trong trường học
Ở Việt Nam, bạo lực học đường không chỉ là tình trạng bắt nạt giữa các học sinh mà còn xảy ra giữa giáo viên và học sinh, giữa cha mẹ với giáo viên, thậm chí là giữa giáo viên với giáo viên.
Trong nhiều năm qua, các giải pháp hạn chế bạo lực học đường đã được triển khai tích cực, trong đó đã có những hoạt động phối hợp giữa Bộ GD-ĐT với các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an trong việc kiểm soát bạo lực học đường. Đồng thời, việc phối hợp truyền thông phòng, chống bạo lực học đường, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên Việt Nam với các đối tác quốc tế cũng được thực hiện khá hiệu quả. Cũng đã có nhiều văn bản được ban hành nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, theo hướng giảm áp lực cho giáo viên. Tuy vậy, bạo lực học đường ở Việt Nam vẫn đang được nhận định là trong tình trạng đáng báo động và đặt ra rất nhiều vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc và thấu đáo hơn.
Định hình những giá trị chung
Việc dẫn dắt và định hình văn hóa học đường đều bắt nguồn từ giá trị. Thiết lập các giá trị cốt lõi mà nhà trường đại diện có thể giúp định hướng các bước xây dựng văn hóa học đường.
Niềm tin và giá trị là cốt lõi của việc xây dựng văn hóa học đường, ngăn ngừa bạo lực.
Nhưng như thế chưa đủ vì giữa giá trị ban hành (giá trị mà trường học tuyên bố và tin tưởng vào đó, ví dụ như “trường học hạnh phúc”, “mỗi thầy cô là tấm gương cho việc tự học”, “phát triển toàn diện năng lực người học”…) và giá trị tán thành (giá trị mà các thành viên nhà trường nhận thấy và được trường thực sự coi trọng) có sự khác biệt.
Giá trị tán thành là những giá trị thể hiện thông qua các hành vi và hành động của cán bộ, giáo viên và học sinh của trường. Những suy nghĩ và hành động mà mọi người luôn nói rằng họ đánh giá cao có thể không đồng nhất với những hành động họ thể hiện.
Ví dụ, khi một trường nào đó tuyên bố giá trị “trường học hạnh phúc” có nghĩa là nhà trường sẽ thực hiện mọi giải pháp để sao cho mang lại hạnh phúc trong các hoạt động giáo dục cho tất cả các bên liên quan. Nhưng trên thực tế, người ta rất khó khăn để tìm thấy các biểu hiện “hạnh phúc” của giáo viên, của học sinh.
Xây dựng các mối quan hệ bền chặt trong học đường - một trong những giải pháp kiểm soát bạo lực học đường (Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú N'Trang Lơng tham gia Chương trình Biệt đội phấn trắng gây quỹ ủng hộ nguyên giáo viên của trường vừa mất vì mắc bệnh hiểm nghèo). Ảnh: T. Hường |
Giải pháp kiểm soát bạo lực học đường hữu hiệu nên nhấn mạnh những thực hành nhằm hướng tới sự phù hợp giữa giá trị ban hành và giá trị tán thành. Điều này tạo ra sự đồng thuận chung giữa đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh trong xác định các nguyên tắc then chốt định hình các hoạt động của nhà trường. Việc phân tích và quyết định các giá trị mong muốn theo hướng không cổ vũ cho các hành động bạo lực và xu hướng bạo lực là điều cần thiết để củng cố giá trị và thực hiện kế hoạch hành động nhằm đạt được giá trị.
Xây dựng các mối quan hệ bền chặt trong trường học
Một nền văn hóa học đường tích cực luôn được dựa trên nền tảng là sự tin tưởng của những mối quan hệ bền chặt giữa các thành viên trong trường. Đó là một môi trường mà giáo viên và học sinh có cảm giác an toàn, thuộc về nhà trường, được lắng nghe và được tôn trọng bởi người khác. Trong trường học có những vị trí khác nhau với những vai trò, chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Khi các thành viên nhà trường cảm thấy mình có giá trị, được cung cấp các nguồn lực, được quyền quyết định đối với những vấn đề, được lựa chọn giải pháp thực hiện, họ có thể nuôi dưỡng niềm tin và phát huy năng lực của mình.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thay đổi môi trường văn hóa – xã hội nhằm tăng cường các mối quan hệ trong trường học? Chúng tôi cho rằng, ở khía cạnh này, ban giám hiệu các trường học có vai trò rất lớn trong việc dành thời gian với các bên liên quan để hiểu được nhu cầu và các mối quan tâm của họ. Từ đó, nhà trường thiết lập kế hoạch hành động theo hướng đáp ứng các nhu cầu. Đồng thời, việc phát hiện năng lực của các bên liên quan cũng sẽ mang lại lợi ích cho trường học trong việc tăng cường nguồn lực. Giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh là các bên liên quan cơ bản của nhà trường. Xây dựng niềm tin, cung cấp sự hỗ trợ và tăng cường khả năng giải trình của các bên liên quan được xem là điểm mấu chốt không chỉ trong kiểm soát bạo lực học đường mà còn trong nhiều vấn đề khác.
Trong lĩnh vực giáo dục, người giáo viên không đơn thuần làm công việc truyền đạt tri thức mà còn là những người cố vấn để hướng dẫn hành trình học tập của học sinh, cả về mặt học thuật lẫn đạo đức. Một nền văn hóa của sự quan tâm thể hiện ở chỗ, giáo viên và học sinh học hỏi lẫn nhau và học cách làm thế nào để trao quyền và hỗ trợ lẫn nhau. Để kiểm soát bạo lực học đường, giải pháp tạo động lực cho các thành viên nhằm thay đổi môi trường làm việc đôi khi hiệu quả hơn nhiều so với những giải pháp hướng tới sự thay đổi của các thành viên.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc