Multimedia Đọc Báo in

Làm gì để giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinh xã hội?

08:01, 18/05/2023

Tình trạng nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đã và đang tác động đến tính ổn định của hệ thống an sinh xã hội và cả quyền lợi của người tham gia. Để giải quyết tình trạng này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp tổng thể hơn để giữ chân người lao động cũng như phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Có mặt tại BHXH huyện Ea H’leo từ sáng sớm, anh Đỗ Văn Thảo chờ làm các thủ tục nhận BHXH một lần. Được biết, anh Thảo làm công nhân cho một công ty thủy sản ở tỉnh Đồng Nai từ năm 2017 với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Đến giữa năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, anh nghỉ việc và về quê sinh sống, làm nương rẫy. Hiện nay, do cuộc sống khó khăn và xác định kinh tế gia đình không có khả năng để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện nên anh đã rút tiền đóng BHXH nhằm trang trải sinh hoạt.

Anh Thảo chia sẻ: “Sau khi qua thời điểm dịch bệnh, tôi quyết định ở lại quê để làm nương rẫy vì đi làm công nhân lương bổng chẳng được bao nhiêu, không đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày. Bây giờ, không có nguồn thu nhập ổn định và không thể tham gia BHXH được nữa nên tôi quyết định rút BHXH một lần. Biết rằng, khi rút hết một lần thì sẽ mất nhiều quyền lợi nhưng cũng đành chịu”.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Ea H'leo giải quyết chế độ bảo hiểm cho người tham gia.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hạnh cũng chờ đợi để giải quyết rút BHXH một lần dù chỉ có hơn một năm tham gia BHXH. Chị cho hay, đó là khoảng thời gian chị làm công nhân tại TP. Hồ Chí Minh và được doanh nghiệp đóng. Hiện nay, chị đã về quê sinh sống, cuộc sống lại khó khăn nên rút BHXH được đồng nào hay đồng đó.

Theo BHXH huyện Ea H’leo, trong năm 2022, đơn vị đã giải quyết hồ sơ nhận chế độ BHXH một lần cho 928 người. Hầu hết người nhận BHXH một lần do hoàn cảnh cảnh khó khăn và sau khi nghỉ việc ở các đơn vị, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số ít người vì lợi ích trước mắt, muốn rút BHXH một lần để có luôn một khoản "tiền tươi"... Trong khi đó, số tiền nhận được chỉ có thể giúp họ giải quyết khó khăn tạm thời, mà lại mất đi khoản tích lũy cho tuổi già khi vừa có lương hưu, vừa được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (bên phải) thực hiện các thủ tục để rút BHXH.

Phải thấy rằng, rút BHXH một lần đồng nghĩa với việc trong tương lai người lao động khi đến tuổi về hưu sẽ không có thu nhập hằng tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống hằng ngày và không được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già... Thêm vào đó, tình trạng này sẽ khiến địa phương không thể thực hiện được mục tiêu BHXH toàn dân và gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp để vận động, tạo sức hút nhằm giúp người lao động yên tâm tham gia BHXH ổn định, lâu dài.

Theo BHXH tỉnh, trong năm 2022, số người đề nghị giải quyết chế độ BHXH một lần và trợ cấp thất nghiệp tăng cao so với bình quân các năm trước. Cụ thể, đơn vị đã giải quyết cho 18.280 lượt người hưởng trợ cấp một lần; trong đó hưởng chế độ BHXH một lần là 13.355 người, tăng 3.792 người so với năm 2021.

Nguyên nhân ngoài việc do đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn hạn chế thì hiện nay có ý kiến cho rằng nhiều người quan ngại khi tăng tuổi nghỉ hưu, hay chính sách BHXH có thể thay đổi trong thời gian tới khiến họ bị ảnh hưởng quyền lợi, nhất là những đề xuất như nếu rút BHXH một lần thì người lao động chỉ được rút tối đa không quá 50% khiến nhiều người chọn rút BHXH từ bây giờ. Đây là thực trạng đáng báo động vì nó đi ngược với mục tiêu ngành chức năng đề ra là mở rộng diện bao phủ BHXH. Về lâu dài, người lao động sẽ thiệt thòi khi chưa già đã tiêu hết tiền dưỡng già; cùng với đó, khi không được hưởng chế độ hưu trí thì họ dễ trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội.

Thực tế hiện nay cho thấy, không ít người lao động suy nghĩ dù đã có thời gian tham gia BHXH được 20 năm, nhưng nay nghỉ việc ở tuổi 40 thì vẫn phải chờ thêm khoảng 20 năm nữa mới đủ tuổi nhận lương hưu. Do vậy thay vì chờ đến tuổi hưu thì nhiều người chọn rút BHXH một lần để có khoản tiền vốn làm ăn sau khi nghỉ việc. Do đó, để hạn chế số lượng người tham gia rút BHXH, thời gian qua, ngành BHXH đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của người lao động. Tuy nhiên, việc làm cần thiết hiện nay vẫn là cần có các chính sách phù hợp để người lao động yên tâm tiếp tục đồng hành, có động lực để đóng BHXH.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.