Nhiều mối lo từ tác hại thuốc lá
Dù các cơ quan chuyên môn đã đưa ra nhiều cảnh báo về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe nhưng tỷ lệ người sử dụng thuốc lá hiện nay vẫn không ngừng gia tăng, để lại nhiều mối lo.
Nguy cơ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bác sĩ CKI Rmah Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ tư trên thế giới (sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não) và là nguyên nhân tử vong xếp thứ ba tại Việt Nam (sau đột quỵ và bệnh tim thiếu máu cục bộ). Một trong những nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là hút thuốc lá. Ngoài nicotin, trong thuốc lá còn chứa khoảng 7.000 hóa chất khác mà trong đó có những chất rất độc đối với cơ thể. Khi hít phải sẽ gây tình trạng phá hủy cấu trúc của phế quản dẫn đến tình trạng bệnh lý của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bác sĩ Bệnh viện Phổi tỉnh thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. |
Hiện tại, Bệnh viện Phổi tỉnh đang điều trị và quản lý khoảng 350 trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân điều trị bệnh phổi, đối tượng chủ yếu là nam giới độ tuổi từ 40 tuổi trở lên và hầu hết có tiền sử sử dụng thuốc lá.
Trường hợp của anh Y G.B. (47 tuổi, ở xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) là một ví dụ. Năm 2021, anh Y G.B. đi khám bệnh và được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hơn 20 năm trước, anh Y G.B. đã hút thuốc lá và trở thành thói quen hằng ngày. Dù biết tác hại mà thuốc lá gây ra, nhưng do tâm lý chủ quan, nghĩ rằng mình là thanh niên khỏe mạnh không dễ ảnh hưởng sức khỏe nên anh phớt lờ những lời khuyên của người thân. Mặc dù được chuẩn đoán đang ở trong giai đoạn nặng và được bác sĩ khuyên cai thuốc lá triệt để, nhưng sau khi điều trị bệnh thuyên giảm, anh lại “ngựa quen đường cũ”, khiến bệnh tình diễn biến phức tạp và lại phải nhập viện điều trị.
Trường hợp của ông M.V.Th. (66 tuổi, ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông), sau hơn 30 năm sử dụng thuốc lá, ông mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và phải nhập viện điều trị. Mới đây bệnh chuyển nặng, ông Th. tiếp tục nhập viện và hiện đang sử dụng máy thở. Ông Th. chia sẻ, dù rất thèm hút thuốc nhưng qua khuyến cáo của bác sĩ, ông sẽ cố gắng bỏ thuốc lá, tránh xa những nơi có nhiều người hút thuốc và những vật dụng liên tưởng đến thuốc lá để việc chữa trị có hiệu quả.
Hiểm họa từ hút thuốc lá thụ động
Theo các nghiên cứu y khoa, tỷ lệ người nghiện thuốc lá mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc, đáng ngại, những người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Bác sĩ H’Châu Êban, Trưởng Khoa bệnh phổi (Bệnh viện Phổi tỉnh) cho biết, qua theo dõi, số người nhập viện điều trị các bệnh về phổi do nguyên nhân hút thuốc lá thụ động ngày càng có chiều hướng gia tăng. Có thời điểm, số lượng nhập viện điều trị bệnh về phổi giữa người hút thuốc lá và người hút thuốc lá thụ động gần như là tương đương. Đây là tình trạng đáng lo ngại, bởi khi bệnh nhân đã được chẩn đoán phổi tắc nghẽn mạn tính liên quan đến thuốc lá thì khả năng điều trị khỏi cho bệnh nhân là không có. Tuy nhiên, việc tưởng chừng như đơn giản nhất đó là loại bỏ tác nhân gây bệnh thì không phải bệnh nhân nào cũng làm được.
Dù không hút thuốc lá nhưng bà Trần Thị Nhượng (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn mắc bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính do hít phải khói thuốc lá. |
Bác sĩ H’Châu Êban dẫn chứng, đa phần bệnh nhân là nam giới hút thuốc lá theo thói quen mọi lúc, mọi nơi mà không lường trước hậu quả của việc hút thuốc lá thụ động. Bản thân người hít phải khói thuốc cũng không chủ động phòng ngừa, nhắc nhở người hút thuốc lá để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Tình trạng ho có đờm, khó thở kéo dài do hít phải khói thuốc gây ra các triệu chứng phổi tắc nghẽn mạn tính với mức độ ngày càng nặng hơn theo thời gian, bệnh kéo dài cho đến suốt quãng đời còn lại kể từ khi bệnh nhân phát bệnh. Hậu quả là người bệnh bị mất sức lao động, không thể tự chăm sóc bản thân.
“Hiện tại, ngoài điều trị bệnh về phổi do thuốc lá gây ra theo phác đồ chung, Khoa bệnh phổi còn tích cực hỗ trợ bệnh nhân tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng hô hấp. Bên cạnh việc quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao, tất cả bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do hút thuốc lá tuyệt đối phải bỏ hút thuốc lá. Đây được xem là biện pháp điều trị đơn giản và có hiệu quả nhất vì đã loại bỏ nguyên nhân chính gây bệnh, giảm được tần suất đợt cấp và làm bệnh giảm tiến triển”- bác sĩ H’Châu Êban thông tin thêm.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc