Nỗi niềm của “vua voi”
Vì sở hữu rất nhiều voi nên ông Đàng Năng Long (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) được nhiều người trìu mến gọi là “vua voi”. Gần cả đời người gắn bó với "ông tượng", người đàn ông này vẫn chưa hết trăn trở cho tương lai của đàn voi.
Sinh ra đã bên voi, lớn lên trên lưng voi
Chúng tôi gặp tìm gặp ông Đàng Năng Long trong một nông trại nằm tại thôn 3, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Giữa cái hồ lớn ngào ngạt hương sen đầu hè, hai chú voi đang được nài voi cho đi dạo, tắm mát. “Anh đưa voi lên đây để chăm sóc và phục vụ người dân trải nghiệm ngắm voi, nếu ổn thì tới đây sẽ bỏ hẳn cưỡi voi”, ông Long giải thích.
Gia tộc của ông có truyền thống hơn 100 năm gắn bó với voi. Bố ông Long là người Chăm, gốc Ninh Thuận, lấy vợ là cháu của “vua săn voi” Khunjunob (Y Thu Knul). Bà từng là người buôn voi nổi tiếng khắp Đông Dương nên trong nhà đôi lúc có đến 40 con voi. Tuy nhiên, sau khi bố mất, số lượng voi này được chia cho bà con trong dòng họ nuôi dưỡng. Ông Long có công việc ổn định nhưng lại từ bỏ tất cả để nối nghiệp nuôi voi của bố. Ông đi thương lượng với từng chủ voi, ai muốn làm chung thì đưa về huyện Lắk cùng ăn chia lợi nhuận; còn ai không có nguyện vọng thì ông mượn voi và trả lại bằng cổ phần. Thời điểm nhiều nhất, ông sở hữu đến 16 con voi thuần dưỡng.
Ông Đàng Năng Long vẫn thường xuyên trò chuyện cùng bạn voi của mình. |
Ông coi voi là người thân thuộc, hiểu thói quen, tính nết của từng con. Có con ăn phải thức ăn nhiễm độc, ông thức suốt đêm, thọc cả cánh tay vào hậu môn để móc phân cho nó. Hay những lần voi bị thương, lồng lộn vì đau, ông phải chạy theo băng bó vết thương, ngã bầm dập khắp người. Có lần voi bị kẻ xấu chặt đuôi, cưa trộm ngà, ông cũng đau như chính phần thân thể mình bị cắt. Với ông Long, giữ voi là giữ lại truyền thống gia đình, giữ lại một biểu tượng của đồng bào mình. Ông chia sẻ, từ xa xưa, voi là biểu tượng văn hóa, tinh thần của người Tây Nguyên nên mặc dù nhiều gia đình không sử dụng nó để làm việc thì họ vẫn cắt cử người chăm sóc. Những dòng họ nào có voi là một niềm tự hào, là tài sản chung của dòng họ.
Ở huyện Lắk, cả gia đình và dòng họ của ông Long còn 7 con voi, trong đó có 5 voi đực và 2 voi cái. Trước kia còn rừng bạt ngàn thì voi có rất nhiều thức ăn, nay rừng không còn nhiều nên áp lực rất lớn cho chủ nuôi.
Chưa thôi trăn trở
Với mong muốn voi được chăm sóc tốt hơn và không phải "cõng" khách du lịch, vừa rồi, ông Long đã bàn giao 2 con voi cho đơn vị làm công tác bảo tồn voi. Giao “con mình” cho người ta nuôi, hẳn nhiên là ông vẫn luôn thấp thỏm: “Voi không thiếu thức ăn và được tự do đi lại, nhưng nó vẫn buồn vì thiếu tình cảm”. Theo ông, điều này cũng phải thôi, bởi những nhân viên bảo tồn voi tuy có kiến thức chuyên môn nhưng họ chỉ xem voi như con vật cần được bảo tồn; không giống như đồng bào Tây Nguyên xem voi như người ruột thịt, sẵn sàng tắm rửa, dọn phân và bầu bạn cùng nó. Cũng vì lý do này mà dù các con ông năm lần bảy lượt động viên cha giao hết voi cho các đơn vị bảo tồn chăm sóc, nhưng ông vẫn chưa yên tâm giải nghệ.
Nhiều người cho rằng Tây Nguyên hay Việt Nam bị tuyệt chủng voi nhà là chuyện bình thường nhưng với buôn làng, đó là câu chuyện rất buồn. Bởi voi không chỉ bước ra từ những câu chuyện trong truyền thuyết mà còn gắn bó với đời sống, là biểu tượng văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. “Vua voi” Đàng Năng Long
|
Gần đây, trên địa bàn tỉnh có các mô hình du lịch voi thân thiện được cộng đồng rất ủng hộ. Với ông Long, nếu hoạt động du lịch trải nghiệm ngắm voi khả thi và đủ chi phí nuôi voi, ông cũng sẽ cho dừng toàn bộ du lịch cưỡi voi. Theo ông, chủ trương này mới dừng ở góc độ khoa học, môi trường chứ chưa giải quyết được giải pháp tài chính cho các chủ voi, nài voi. Nhà nước cần có cơ chế thỏa đáng để bảo đảm sinh kế cho người có voi nhằm giúp họ yên tâm đưa voi đi… bảo tồn mà không ảnh hưởng đến thu nhập.
Tuy nhiên, điều lo lắng, trăn trở nhất của ông Long là nếu như không có chính sách làm tốt thì voi nhà trên địa bàn Tây Nguyên sau khoảng 20 năm nữa sẽ bị tuyệt chủng. Theo ông, vấn đề căn cơ vẫn là phải có giải pháp khả thi để voi sinh sản. Điều này rất khó khăn, nhưng không phải bất khả thi, bởi ông đã từng "ghép đôi" cho voi mang thai thành công. Các cơ quan chuyên môn cần đưa voi đang ở độ tuổi sinh nở ra những cánh rừng rộng lớn để phối giống tự nhiên dưới sự giám sát của các chuyên gia. Những con voi đực lớn tuổi vẫn có thể giao phối, nếu không thì có thể thụ tinh nhân tạo. Với voi cái, có thể mua nhập những con còn trẻ từ nước ngoài. Sống trong môi trường tự nhiên, voi sẽ trở lại bản năng tự nhiên và chuyện sinh con cũng sẽ thuận tự nhiên, ông Long chia sẻ.
Minh Thông – Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc