Multimedia Đọc Báo in

Qua cách dùng từ "thăm quan", nghĩ về hiện tượng “gãy khúc” ngữ nghĩa trong tiếng Việt

08:42, 22/05/2023

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, TP. Hà Nội triển khai một số xe buýt phục vụ miễn phí du khách đến các điểm danh thắng trên địa bàn. Vấn đề nảy sinh khi băng rôn ở các xe viết phục vụ miễn phí khách “thăm quan”, không dùng chữ “tham quan”.

Sự việc này khiến cộng đồng mạng xôn xao chỉ trích, cho thấy sự quan tâm trước hiện tượng “gãy khúc” ngữ nghĩa từ dùng tiếng Việt.

Theo nhiều người, đây không phải sự kiện dị biệt, mà là hiện tượng đáng quan tâm về thực trạng sử dụng, biến tướng dùng tiếng Việt hiện nay. Trước đây, khi chữ viết tiếng Việt chuyển sang chữ quốc ngữ ký hiệu ghi âm Latin thay thế chữ Hán và chữ Nôm, đã có không ít học giả lên tiếng về nguy cơ bị “gãy khúc” ngữ nghĩa. Suốt bao năm qua, đây luôn là vấn đề nổi cộm ở các văn đàn, diễn đàn tranh luận về tiếng Việt.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Do tiếng Việt mượn chữ Hán ghi âm, tạo thành chữ Nôm; và tiếng Việt sử dụng chủ yếu chữ Hán để diễn đạt, nên hệ thống tiếng Việt trong lịch sử gắn liền với những ngữ nghĩa đa dạng theo từ tượng hình Hán văn. Khi chuyển qua ký hiệu ghi âm Latin, một phần lớn từ tiếng Việt đồng âm dị nghĩa đã bị “gãy khúc”, trở nên tối nghĩa, bị nhầm lẫn khi sử dụng. Hiện tượng này cho thấy sự đặc biệt của tiếng Việt, và cũng là bối cảnh của nhiều sự việc biến tấu tiếng Việt một cách thú vị. Nhiều học giả nhìn nhận, tiếng Việt phong phú đặc sắc, có một phần do những nhầm lẫn, tráo trộn chữ nghĩa này tạo nên. Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái ngữ nghĩa, nhầm lẫn nội dung biểu đạt tiếng Việt do hiện tượng này cũng là một vấn đề nan giải, cần được các nhà khoa học ngôn ngữ quan tâm, cùng có ý kiến cải thiện và chỉnh lý cần thiết, nhằm làm trong sáng tiếng Việt.

Cụ thể trường hợp từ “thăm quan” ở băng rôn tại Hà Nội, có thể thấy, người viết không hề có sự nhầm lẫn nào về ngôn ngữ. Tiếng Việt dùng chữ “thăm” để diễn đạt quan hệ giao tiếp, tìm hiểu nhau. Thăm thú, thăm nom, thăm hỏi, là những từ tiếng Việt thuần túy ai cũng hiểu, chỉ hành động đi lại, tiếp cận, tiếp xúc giữa người và người, ở địa điểm nào đó. Còn chữ “quan” là từ Hán Việt có nghĩa xem xét, tìm hiểu. Từ “thăm quan” vì thế được tạo bởi ghép một chữ Nôm và một chữ Hán, diễn ý nghĩa hành động đi lại, giao tiếp, dùng chủ yếu trong du lịch…

Có điều, trong tiếng Việt lâu nay, từ “thăm quan” đã có từ Hán Việt “tham quan”, diễn tả rõ nghĩa đi lại coi ngó, tìm hiểu quan sát. Do đó, không nhất thiết phải tạo từ phái sinh mới là “thăm quan”, mà chỉ cần dùng “tham quan”.

Song, chữ “tham quan” khi viết ký âm Latin đọc tiếng Việt, đối chiếu với chữ Hán lại phát sinh vấn đề, vì có hai từ Hán Việt “tham quan” nghĩa khác nhau. Một từ có chữ “tham” nghĩa là thêm vào, coi ngó, và chữ “quan” nghĩa là quan sát, biểu đạt nghĩa thăm thú tìm hiểu; từ thứ hai lại dùng chữ “tham” có nghĩa tham lam, và chữ “quan” có nghĩa quan lại, biểu đạt nghĩa quan lại tham lam.

Hai từ “tham quan” này, viết chữ quốc ngữ chỉ là một, nhưng nghĩa Hán Việt lại khác biệt lớn.

Nếu các nhà khoa học không sớm có được những giải pháp giải đáp, định hướng bổ sung ngữ nghĩa tiếng Việt, cập nhật hiện trạng phát triển từ vựng tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay, những sự cố như băng rôn có từ “thăm quan” sẽ còn tiếp diễn, và đó thật sự là nỗi lo cho một tương lai của tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.