Multimedia Đọc Báo in

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH:

Công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT được chú trọng

08:19, 23/05/2023

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII “về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”,  tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân.

Nghị quyết số 28 đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm tăng nhanh diện bao phủ người tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHXH. Những nội dung về cải cách chính sách BHXH được đặt ra tại nghị quyết này không chỉ mở rộng diện bao phủ đến lao động khu vực chính thức mà còn chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Mục tiêu đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Cán bộ BHXH huyện Ea H'leo (bên trái) tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về lợi ích của BHXH tự nguyện.

Có thể nói Nghị quyết 28-NQ/TW ra đời đã tạo bước ngoặt lớn trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH. Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, BHXH tỉnh đã kịp thời phối hợp với các ban, ngành tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành và tập trung các giải pháp cụ thể nhằm phấn đấu hoàn thành đạt và vượt mức các mục tiêu của nghị quyết. Cùng với đó, BHXH tỉnh cũng huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đẩy mạnh công tác truyền thông, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của các cấp,  ngành, các tổ chức, tạo sự hiểu biết sâu rộng cho người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHXH. Đặc biệt, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh và linh hoạt các hình thức truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như: Truyền thông qua hội nghị khách hàng, tư vấn, đối thoại, truyền thông theo từng nhóm nhỏ đến tận hộ gia đình, địa bàn dân cư, các khu chợ; tăng cường tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở và qua mạng xã hội Facebook, Zalo, tuyên truyền bằng trực quan và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền. Đồng thời ngành BHXH đã quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giao dịch, tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, luân chuyển hồ sơ qua hệ thống bưu điện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân.

Qua đó, diện bao phủ BHXH trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Theo báo cáo của BHXH tỉnh, nếu như năm 2018, toàn tỉnh có 106.486 người tham gia BHXH (trong đó có 102.734 người tham gia BHXH bắt buộc, 3.752 người tham gia BHXH tự nguyện), 89.672 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), thì đến năm 2022 con số này là 125.377 người tham gia BHXH (trong đó có 106.946 người tham gia BHXH bắt buộc, 18.431 người tham gia BHXH tự nguyện), 95.480 tham gia BHTN và năm 2023 con số này ước tăng lên trên 153.000 người tham gia BHXH, trên 104.000 người tham gia BHTN.

Cùng với công tác phát triển đối tượng, công tác thu của BHXH tỉnh hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Công tác chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đảm bảo thuận lợi cho người hưởng, đúng thời gian, chế độ quy định và thời hạn giải quyết. Cụ thể, năm 2022, toàn tỉnh có 46.552 người được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, tăng 4.618 người so với năm 2018; dự kiến năm 2023 con số này sẽ đạt trên 48.600 người.

Có thể thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 28 đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được sự chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; nhận thức của người dân, người lao động ngày càng được nâng cao. Công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT được chú trọng và quan tâm nhiều hơn thông qua sự phối hợp giữa các sở, ngành trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN đặc biệt trong việc phát triển đối tượng tham gia. Từ đó, góp phần thực hiện đúng chính sách BHXH, BHYT, BHTN, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.