Xây dựng đội ngũ công nhân lao động thời kỳ mới
Để tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh các phong trào thi đua; đồng thời, tạo điều kiện, động viên công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ tay nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, góp phần vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có gần 75.500 đoàn viên đang sinh hoạt tại 1.731 công đoàn cơ sở (CĐCS); trong đó, có trên 21.000 đoàn viên thuộc 363 CĐCS khu vực sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Để xây dựng đội ngũ công nhân, lao động ngày càng vững mạnh, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã đa dạng hóa các hình thức giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Qua đó, đội ngũ công nhân, lao động của tỉnh đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng; đa dạng về cơ cấu; trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ được nâng lên; từng bước làm chủ khoa học, công nghệ…
Công nhân lao động làm việc tại Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột). |
Đơn cử như CĐCS Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk, cùng với việc tạo khí thế trong lao động, sản xuất, đơn vị đã chú trọng triển khai thực hiện các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn” hay chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, phát triển”. Ông Lê Đình Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty, Chủ tịch CĐCS cho biết, thời gian qua, lực lượng đoàn viên, người lao động đã đóng góp nhiều ý kiến, cách làm hay để cải tiến trên các lĩnh vực, góp phần giảm cường độ lao động thủ công, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, lợi nhuận cho đơn vị. Đó là việc ứng dụng phần mềm thu phí vệ sinh môi trường bằng máy POS cầm tay của đoàn viên, người lao động Tổ dịch vụ thu phí vệ sinh đã giúp đơn vị giải quyết được nhiều vấn đề như: tiết kiệm thời gian; tránh được việc thất lạc, mất hóa đơn vì phải in ra rồi mới đưa đến cho các hộ gia đình; các hộ dân đóng tiền vào những thời điểm khác nhau, dẫn đến việc thống kê báo cáo gặp nhiều khó khăn... Hay như sáng kiến của đội ngũ công nhân vệ sinh môi trường trong việc thu gom, tập hợp rác thải từ lá cây để ủ phân hữu cơ phục vụ lại cho việc chăm sóc cây xanh của đơn vị; đồng thời, tiết kiệm được chi phí mua phân bón.
Tại Công đoàn Công ty Điện lực Đắk Lắk, đoàn viên, người lao động đơn vị cũng đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn, góp phần mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong lao động sản xuất tại đơn vị, như: Xây dựng chương trình tính toán tổn thất kỹ thuật trên lưới điện các trạm biến áp công cộng – Chi đoàn Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột; xây dựng chương trình nội bộ truyền thống theo từng phòng, ban và các đơn vị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực – Chi đoàn Nghiệp vụ kỹ thuật; rà soát sản lượng tăng bất thường của khách hàng so với sản lượng cao nhất của năm trước nhằm loại bớt việc phúc tra khách hàng sử dụng điện theo mùa vụ - Chi đoàn Điện lực Krông Pắc…
Được biết, thực hiện Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” , toàn tỉnh có 2.580 đoàn viên tham gia với 1.364 sáng kiến được công nhận, xếp thứ 25/83 đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” có 3.621 sáng kiến của đoàn viên, CNVCLĐ tham gia chương trình trên hệ thống của Tổng LĐLĐ Việt Nam đạt 145% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. Đặc biệt, đã có nhiều giải pháp, sáng kiến của đoàn viên, người lao động có giá trị làm lợi cao, ý nghĩa xã hội lớn, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và phục hồi sau đại dịch.
Công nhân lao động trên địa bàn tỉnh tham gia mua sắm tại Chợ Tết Công đoàn năm 2023. |
Trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi công nhân lao động trên địa bàn tỉnh cần có sự thay đổi để thích ứng với yêu cầu của tình hình mới. Trước thực tế đó, công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp được các cấp công đoàn chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, phối hợp với chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện thường xuyên; góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cho đoàn viên, người lao động. Theo LĐLĐ tỉnh, bình quân hằng năm, có khoảng 15% đoàn viên, người lao động được học tập, nâng cao trình độ học vấn; 10% người lao động được tham gia thi tay nghề, nâng bậc thợ; hơn 155.000 lượt đoàn viên, người lao động được tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngắn hạn…
Có thể nói, để xây dựng đội ngũ công nhân lao động lớn mạnh không chỉ là sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người công nhân và sự tham gia của người sử dụng lao động mà đòi hỏi phải có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn và tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tạo động lực cho giai cấp công nhân phát triển và phát huy vai trò lịch sử giai cấp công nhân trong giai đoạn mới.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc