Tháo gỡ khó khăn cho các điểm bưu điện văn hóa xã
Hơn 10 năm trở về trước, bưu điện văn hóa xã được coi là mô hình nổi bật, tạo điều kiện cho người dân nông thôn hưởng thụ các dịch vụ bưu chính, viễn thông và tiếp cận thông tin qua sách báo. Thế nhưng những năm gần đây, mô hình này đang mất dần lợi thế, nhiều bưu điện văn hóa xã hoạt động kém hiệu quả.
Nhiều khó khăn, bất cập
Bưu điện văn hóa xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) được đầu tư xây dựng khá kiên cố, nằm ngay vị trí trung tâm xã; bên trong được trang bị đầy đủ quầy giao dịch, ghế ngồi chờ, tủ sách báo, khu bán hàng tiêu dùng... rất thuận lợi cho người dân đến giao dịch bưu chính và mua sắm hàng tiêu dùng. Thế nhưng mỗi ngày, lượng người đến giao dịch và mua sắm ở đây rất ít, thậm chí tủ sách báo nhiều năm không ai đến đọc. Với thực trạng đó, doanh thu của Bưu điện văn hóa xã Ea Kao chỉ đạt khoảng 350 triệu đồng/năm, kéo theo thu nhập nhân viên quá thấp, không bảo đảm cuộc sống, phát sinh tư tưởng chán nản với nghề.
Dù vào buổi sáng nhưng điểm Bưu điện văn hóa xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) khá vắng khách. |
Ông Trương Văn Thành, Giám đốc Bưu điện TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: TP. Buôn Ma Thuột có 8 bưu điện văn hóa xã, tuy nhiên hiện nay chỉ 50% trong số đó là có doanh thu bảo đảm thu nhập mỗi tháng từ 7 - 10 triệu đồng/nhân viên. Số còn lại hoạt động kém, thu nhập của nhân viên mỗi tháng chỉ dưới 4 triệu đồng, điển hình như Bưu điện văn hóa các xã Ea Kao, Hòa Xuân, Ea Tu... Nhiều năm nay, các điểm bưu điện văn hóa xã được giao khoán việc chi trả thù lao cho nhân viên theo mức doanh thu. Do vậy, doanh thu thấp thì thu nhập thấp, dẫn đến nhiều người có tâm lý bỏ việc. Từ năm 2020 đến nay đã có 3 nhân viên bưu điện văn hóa xã nghỉ việc.
Theo thống kê của Bưu điện Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 157 điểm bưu điện văn hóa xã đang hoạt động. Vào những năm 2000, tại các điểm bưu điện văn hóa xã luôn tấp nập khách đến giao dịch bưu chính, viễn thông. Hệ thống các điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển phát thư báo, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa thông tin của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước tạo lập thị trường bưu chính, viễn thông ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, đặc biệt là việc phủ sóng rộng rãi của mạng Internet, sóng phát thanh, truyền hình, dịch vụ điện thoại di động… thì người dân ít “mặn mà” hơn với các điểm bưu điện văn hóa xã. Đặc biệt, từ khi tách hoạt động bưu chính và viễn thông (năm 2008) đến nay, hệ thống bưu điện văn hóa xã gặp nhiều khó khăn do nhu cầu dịch vụ ít. Bên cạnh đó, phần lớn bưu điện văn hóa xã được xây từ nhiều năm trước, đến nay đã xuống cấp, hư hỏng các hạng mục, việc đầu tư để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị rất khó khăn vì kinh phí hạn hẹp.
Nỗ lực tìm giải pháp gỡ khó
Đầu năm 2023, Bưu điện tỉnh đã ký hợp tác đưa sản phẩm gạo sạch của Công ty TNHH MTV Cà phê 721 (huyện Ea Kar) vào bán tại gian hàng tiêu dùng của các điểm bưu điện văn hóa xã. Chỉ tính 5 tháng năm 2023, hệ thống bưu điện văn hóa xã đã tiêu thụ được trên 100 tấn gạo. |
Thực hiện Chỉ thị 03/CT-BĐVN, ngày 8/4/2017 của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bưu điện văn hóa xã, Bưu điện tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hệ thống bưu điện văn hóa xã. Theo đó, tất cả các điểm bưu điện văn hóa xã đều chuyển đổi hình thức hoạt động từ đơn mục đích sang đa dịch vụ. Không chỉ dừng lại với các dịch vụ bưu chính truyền thống, hầu hết các điểm bưu điện văn hóa xã còn là nơi chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, chuyển phát các dịch vụ hành chính công, các ấn phẩm báo chí truyền thông của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, cung cấp nhiều dịch vụ tiện - hữu ích, như tín dụng qua bưu điện, chuyển tiền bưu điện, bảo hiểm bưu điện; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện, phân phối hàng tiêu dùng về nông thôn...
Nhằm bảo đảm điều kiện cung cấp tốt các dịch vụ công ích và tạo thuận lợi để triển khai hoạt động kinh doanh, từ năm 2021 đến nay, Bưu điện tỉnh đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 11 điểm bưu điện văn hóa xã và xây mới điểm Bưu điện văn hóa xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar). Tất cả các điểm bưu điện văn hóa xã cũng đã được trang bị đầy đủ thiết bị máy móc, đường truyền Internet, biển hiệu…
Thực tế cho thấy, có không ít bưu điện văn hóa xã hoạt động hiệu quả, thu hút được đông đảo người dân đến giao dịch, mua sắm. Theo đó, doanh thu mỗi năm đạt hàng tỷ đồng, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho đội ngũ nhân viên trên 10 triệu đồng/tháng, điển hình như ở Bưu điện văn hóa xã Ea Wy (huyện Ea H’leo), Bưu điện văn hóa xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột)...
Người dân đến điểm Bưu điện văn hóa xã Ea Wy (huyện Ea H'leo) để giao dịch bưu chính. |
Chị Vy Thị Nhanh (thôn 3A, xã Ea Wy) chia sẻ: “Tháng nào vợ chồng tôi cũng vài lần đến Bưu điện văn hóa xã Ea Wy, khi thì để đóng tiền điện, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, nhận - gửi bưu phẩm, mua hàng tiêu dùng… Bưu điện văn hóa xã thường mở cửa từ 6 - 18 giờ, nhân viên phục vụ rất niềm nở, nhiệt tình. Chúng tôi rất hài lòng về chất lượng dịch vụ ở đây”.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho hay, xác định nhu cầu đa mục tiêu của các điểm bưu điện văn hóa xã, thời gian tới, Bưu điện tỉnh tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, phục vụ; đưa các dịch vụ mới vào triển khai tại tất cả các điểm bưu điện văn hóa xã nhằm đáp ứng các nhu cầu của nhân dân. Giao trách nhiệm cụ thể cho cán bộ, nhân viên quản lý hoạt động bảo đảm hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sử dụng các dịch vụ của bưu điện văn hóa xã. Về hoạt động phân phối các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hướng tới là những điểm bưu điện văn hóa xã có vị trí phù hợp sẽ được triển khai phát triển thêm mô hình “Cửa hàng PostMart”. Đây cũng sẽ là nơi để giới thiệu, truyền thông và quảng bá về Chương trình mỗi xã một sản phẩm, giúp các tiểu thương, nông hộ trên địa bàn đẩy mạnh kết nối cung cấp sản phẩm, thúc đẩy mua bán thông qua sàn thương mại điện tử Postmart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc