Multimedia Đọc Báo in

Nhân lên hành trình nhân ái

08:34, 26/07/2023

Những năm qua Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Pắc đã nỗ lực kết nối các tổ chức, cá nhân trên cả nước cùng san sẻ, đồng hành với người gặp khó tại địa phương vươn lên trong cuộc sống.

Ấm áp những căn nhà Tình thương

Sau nhiều năm phải sống trong căn nhà xập xệ, tạm bợ, đầu năm 2023, gia đình ông Y Thuận Ayun ở buôn Pan, xã Ea Yông đã được chuyển về sống cùng nhau trong ngôi nhà mới khang trang do Hội Chữ thập đỏ huyện kết nối mạnh thường quân hỗ trợ. Ngôi nhà cấp 4 có diện tích 42 m2 với tổng kinh phí xây dựng 75 triệu đồng (mạnh thường quân hỗ trợ 60 triệu đồng, còn lại người thân hỗ trợ thêm).

Trước đó, ông Y Thuận chưa từng dám nghĩ đến việc có một căn nhà mới, bởi gia đình ông từ chỗ đủ ăn đã rơi vào khó khăn khi đứa con út bị bệnh, phải chạy chữa nhiều nơi không khỏi. Dù chăm chỉ làm lụng trên mảnh vườn vài sào được cha mẹ để lại và tranh thủ đi làm thuê nhưng gia đình vẫn trong tình trạng thiếu thốn, không có tiền để sửa mà phải sống tạm bợ.

Gia đình ông Ai Khăm Mi nhận căn nhà mới do mạnh thường quân hỗ trợ.

Tương tự, ông Huỳnh Đức Hoàng trú thôn 7, xã Hòa An cũng được hỗ trợ để xây dựng căn nhà cấp 4 rộng khoảng 75 m2 trị giá 125 triệu đồng vào đầu năm nay. Ông Hoàng đang nuôi hai con nhỏ đi học, bản thân ông bị bệnh, thường xuyên vào TP. Hồ Chí Minh để điều trị, do đó cuộc sống vốn khó lại càng khó hơn. Trong căn nhà mới của mình, ông Hoàng bày tỏ rằng, lâu nay các con của ông vẫn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương từ tiền mặt, quà Tết, sách vở, đến đầu năm 2023 này gia đình lại được hỗ trợ xây nhà Tình thương nữa nên ông rất mừng, không dám mong gì hơn. Mừng nhất vẫn là hai đứa con ông bởi từ nay không phải kê bàn học để né dột mỗi khi trời đổ mưa nữa.

Trung tuần tháng 6 vừa qua, Hội Nữ doanh nhân Buôn Ma Thuột, Công ty TNHH Nông sản Thiên Tân (TP. Buôn Ma Thuột) và Công ty TNHH Yến sào Thành Dung (thị trấn Phước An) đã bàn giao hai căn nhà Tình thương tặng hai hộ dân ở xã Ea Hiu là gia đình ông Ai Khăm Mi ở buôn Tà Đỗq (căn nhà có diện tích 80 m2, trị giá hơn 100 triệu đồng) và gia đình bà Nguyễn Thị Ánh, ở buôn Jắt A (nhà có diện tích 45 m2, trị giá hơn 50 triệu đồng).

Bà Phan Thị Phương Dung, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Thành Dung cho biết, việc xây dựng nhà Tình thương được thực hiện dựa trên sự kết nối của công ty, Hội Chữ thập đỏ xã và mạnh thường quân (50 triệu đồng/căn) với mong muốn giảm bớt sự thiếu thốn, vất vả cho gia đình, đồng hành cùng người gặp khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Lan tỏa hành động nhân ái

Ngoài hỗ trợ nhà ở cho các gia đình khó khăn, Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Pắc còn triển khai có hiệu quả các hoạt động nhân ái khác mang tính chất gắn kết, tiếp nối giữa nhiều cá nhân, đơn vị khác nhau.

Đơn cử như mô hình bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế huyện (hỗ trợ mỗi năm hàng nghìn suất cháo, cơm miễn phí cho bệnh nhân với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng); nuôi heo đất giúp bạn gặp khó khăn (thực hiện đồng loạt tại các chi hội chữ thập đỏ trường học trên địa bàn huyện)…

Đặc biệt, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” giúp người khó khăn đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tập thể, cá nhân hảo tâm trong và ngoài huyện. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Hội Chữ thập đỏ huyện đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thường xuyên cho 58 địa chỉ với số tiền gần 226 triệu đồng… Qua đó đã trợ giúp trực tiếp, kịp thời cho các đối tượng đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần thúc đẩy phong trào “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện” trên địa bàn.

Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Pắc phối hợp với Hội Chữ thập đỏ phường 14, quận 10 (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân thị trấn Phước An đầu tháng 5/2023.

Theo đánh giá của Hội Chữ thập đỏ huyện, sở dĩ địa phương thực hiện có hiệu quả các hoạt động, phong trào từ thiện, nhân đạo là nhờ công tác thông tin và hỗ trợ cụ thể, đúng đối tượng. Theo đó, các cấp Hội sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nắm bắt, rà soát, xác minh thông tin cụ thể về đối tượng khó khăn cần hỗ trợ; thống nhất với người cần hỗ trợ về phương án kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ; thông tin rộng rãi về hoàn cảnh người cần hỗ trợ, tiến độ tiếp nhận tiền, hiện vật mạnh thường quân kêu gọi hỗ trợ, trao hỗ trợ...

Với kinh nghiệm hơn 13 năm làm công tác từ thiện, nhân đạo, chị Trần Thị Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Pắc cho biết, người khó khăn có những mặc cảm riêng nên trong quá trình tiếp cận và kêu gọi phải có sự đồng thuận của họ; quá trình thực hiện kêu gọi, trao hỗ trợ phải rõ ràng, minh bạch và luôn có bên thứ ba cùng tham gia (đại diện người hỗ trợ, chính quyền địa phương…).

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.