Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối nạn tảo hôn ở Ea Dăh

07:10, 10/07/2023

Nhiều năm qua, tại xã Ea Dăh (huyện Krông Năng), tình trạng mang thai ngoài ý muốn dẫn đến tảo hôn trở nên nhức nhối, đáng báo động. Mặc dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Thôn Giang Đông là địa phương xảy ra nhiều vụ việc tảo hôn nhất xã Ea Dăh; trong đó chủ yếu là các em ở độ tuổi vị thành viên mang thai trước và về sống chung với nhau. Chỉ tính riêng trong năm 2022, tại thôn Giang Đông đã có đến 6 trường hợp tảo hôn xảy ra. Theo ông Sùng A Thọ, Bí thư Chi bộ thôn Giang Đông, các em phần lớn có thai trước khi cưới và lấy nhau khi chỉ mới 15 - 18 tuổi, thậm chí nhiều em có con khi mới 14 tuổi. Khi sinh con ra, vì không thể đăng ký kết hôn nên giấy khai sinh của con thường mang họ mẹ.

Trẻ em ở thôn Giang Đông (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng).

Em V.T.N.Ph. lấy chồng khi chỉ mới 15 tuổi, cả hai vợ chồng năm nay 17 tuổi. Trong căn nhà gỗ chật hẹp, không có gì đáng giá, tiếng trẻ con khóc như "xé tan" không gian yên tĩnh của buổi trưa. Ph. vừa dỗ con vừa kể: “Lúc trước em cũng đi học, nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát thì em ở nhà. Sau vài tháng ở nhà thì em đi chơi với chồng em bây giờ và có thai nên cả hai phải cưới”. Lấy chồng khi còn quá nhỏ nên khi sinh con ra, Ph. còn rất nhiều bỡ ngỡ. Nhiều lúc nghĩ đến việc cho con ăn, ru con ngủ trong khi các bạn cùng trang lứa đang được đến trường khiến Ph. không khỏi tủi thân. Không những thế, vì con nhỏ nên Ph. chưa thể đi làm việc, chồng em là X.A.T., hiện vẫn đang học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Krông Năng nên tất cả mọi sinh hoạt của hai vợ chồng đều do bố mẹ chồng chu cấp, mặc dù gia đình cũng nằm trong diện hộ nghèo của thôn, bố mẹ các em vẫn phải nuôi ba đứa con ăn học.

Là bạn từng cùng học với Ph., em V.T.K.H. cũng bế trên tay đứa con gần hai tuổi. Chồng H. đang học THPT nên sinh hoạt của hai vợ chồng cũng do bố mẹ chồng chu cấp. V.T.K.H. tâm sự: “Bây giờ bạn bè em ai muốn lấy vợ, lấy chồng sớm thì em sẽ khuyên ngăn, vì lấy chồng sớm khổ lắm. Lúc mới sinh con xong em không biết chăm sóc, chỉ có bà nội mới bế được con. Không có tiền nên muốn làm gì cũng khó”.

Gia đình em X. A.T. và em V.T.N.Ph. (thôn Giang Đông, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng) đều còn nhỏ nhưng đã có con nên kinh tế hai vợ chồng đều phụ thuộc vào bố mẹ.

Còn ông S.A.S. (bố chồng của H.) thì cho biết, gia đình ông bất ngờ khi con trai thông báo lấy vợ, và H. đã có thai. Vì thương con, thương cháu nên gia đình không tổ chức đám cưới mà đón H. về nhà sống chung. Từ đó, gia đình phải dạy các con lại từ đầu, từ những vấn đề như chăm sóc con, dạy các công việc nhà cửa, bếp núc và đồng áng… “Các con của tôi lỡ rồi thì cũng chịu thôi, bây giờ phải dạy bảo các con để có cuộc sống gia đình ổn định. Chúng tôi cũng còn hai đứa con đang học THCS nên khuyên bảo các cháu phải chăm chỉ học hành, từ từ mới lập gia đình. Bố mẹ lo cho một trường hợp này là đã khổ lắm rồi”, ông S. nói.

Năm 2022, chính quyền xã Ea Dăh (huyện Krông Năng) đã làm việc với 11 trường hợp tảo hôn, phạt hành chính 1 trường hợp và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an 2 trường hợp.

Tương tự, em S.A.S. lấy vợ và có con khi cả hai vợ chồng mới 16 tuổi. Khi được hỏi về việc liệu em có lo sợ sẽ bị pháp luật xử lý vì đã vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình không? S.A.S. lắc đầu và cười nói: “Các bạn xung quanh em ai cũng như vậy”.

Có thể thấy, nhận thức về Luật Hôn nhân gia đình, sức khỏe sinh sản… của các em còn hạn chế là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn và kéo theo là tảo hôn. Tảo hôn và sinh con khi còn quá nhỏ không chỉ khiến đời sống kinh tế của nhiều gia đình khó khăn chồng chất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý của tất cả các đối tượng liên quan. Để giải quyết tình trạng này, thiết nghĩ rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân tại địa phương, nhất là cần chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục giới tính, nâng cao nhận thức về hôn nhân và gia đình cho các em ở độ tuổi vị thành niên để tránh những hệ lụy không đáng có về sau.

Đinh Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.