Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo gãy, đổ cây xanh

08:23, 12/07/2023

Buôn Ma Thuột là một trong những thành phố có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước, trong đó có nhiều cây cổ thụ dọc các tuyến đường khu vực trung tâm.

Để hạn chế tình trạng gãy, đổ cây xanh và những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do cây xanh gãy đổ, nhất là trong mùa mưa bão, lực lượng chức năng đã chủ động rà soát, lên kế hoạch cắt tỉa cây bóng mát để vừa bảo đảm cảnh quan đô thị, vừa phòng, chống thiên tai.

Những vụ tai nạn đáng tiếc

Hẳn nhiều người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn chưa quên được vụ tai nạn do cây xanh bật gốc, đổ ra đường đè lên một phụ nữ đang lưu thông trên tuyến đường Y Jut vào tháng 4 vừa qua.

Theo đó, chiều 22/4 trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột xảy ra gió lốc kèm theo mưa, dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã làm gãy, đổ nhiều cành, cây xanh tại một số tuyến đường và khu vực công cộng. Trong đó, có một cây sao đen đường kính thân trên 50 cm tại đường Y Jut bị bật gốc, đổ ngang đường khiến một người dân bị thương nặng; đè lên xe ô tô con của người dân đỗ bên đường; làm hư hỏng trạm biến áp phục vụ điện cho khu vực trung tâm TP. Buôn Ma Thuột và hệ thống cáp viễn thông…

Cùng thời điểm đó, tại đường Đam San, một cây sao đen cũng bị gãy cành làm một nhân viên điện lực đang đứng trú mưa bị thương.

Cây xanh bật gốc ngã đổ tại đường Y Jút vào chiều ngày 22/4/2023 trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Được biết, trong trận mưa, gió lốc chiều 22/4, trên địa bàn thành phố có 67 cây xanh bị gãy, đổ. Trong đó có 5 cây bị bật gốc, ngã đổ và 62 cây bị gãy cành rải rác tại các tuyến phố, chủ yếu là những cây sao đen, hoa sữa, lộc vừng.

Trước đó, năm 2022, một cơn mưa lớn kèm gió mạnh vào chiều 2/6 đã làm bật gốc một cây sấu trên đường Nguyễn Văn Cừ đè lên phần đầu một chiếc xe tải đang lưu thông gây vỡ kính chắn gió, móp nóc cabin. Vụ việc dù không thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại tài sản và khiến giao thông bị tắc nhiều giờ liền. Đến rạng sáng hôm sau (ngày 3/6), tại đường Lý Thường Kiệt (đoạn giao với đường Nguyễn Công Trứ), một chiếc ô tô 7 chỗ của người dân đậu bên đường cũng đã bị cành cây xanh gãy rơi trúng đuôi xe gây hư hại kính, bong một phần cản sau.

Chủ động phòng, chống tai nạn do cây xanh gãy, đổ

Những vụ việc đề cập ở trên chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp cây xanh gãy, đổ xảy ra những năm qua, bởi mùa mưa năm nào cũng xuất hiện tình trạng trên.

Trao đổi về nguyên nhân khiến cây xanh dễ bị bật gốc, gãy đổ khi có mưa giông, gió lốc, bà Phan Thị Thùy Phương, Trưởng phòng Kế hoạch - Vật tư, Công ty Cổ phần Quản lý đô thị và môi trường Đắk Lắk cho biết, phần lớn cây xanh trên các tuyến phố đều bị tác động bởi các công trình hạ tầng ngầm; trong đó, một số dự án thi công vỉa hè, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước, điện, cáp quang… đã đào bới đất gây tác động đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Nhân viên Công ty Cổ phần Quản lý đô thị và môi trường Đắk Lắk cắt thấp tán, khống chế chiều cao cây xanh tại tuyến đường Hoàng Diệu (TP. Buôn Ma Thuột).
Để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, từ cuối tháng 6 đến tháng 9/2023, dự kiến tiến hành chặt hạ 63 cây xanh có độ nghiêng lớn, lệch tán, mục gốc nguy cơ ngã cao và 52 cây xanh còi cọc, kém phát triển; cắt thấp tán, khống chế chiều cao 243 cây xanh có tán cao, rộng, bị nghiêng.

Trong tình hình thời tiết diễn ra khó lường như hiện nay, việc cây xanh bị nghiêng, mục gốc có nguy cơ bị bật gốc, ngã đổ khi gặp mưa giông, gió lốc không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng con người và tài sản của người dân mà còn mất an toàn hạ tầng kỹ thuật trong khu vực.

Do đó, để đảm bảo cho hệ thống cây xanh phát triển ổn định, Công ty Cổ phần Quản lý đô thị và môi trường Đắk Lắk đã lập kế hoạch duy trì cắt, tỉa cây xanh nhằm giúp cây phát triển cân đối, khống chế chiều cao đối với cây bị nghiêng, nặng tán, có nguy cơ ngã đổ.

Đặc biệt, định kỳ tuần tra cây xanh nhằm phát hiện tình trạng cây bị bọng gốc, cây bị chết để đề xuất xử lý cắt hạ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gãy đổ, nhất trong mùa mưa bão. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, chủ động bố trí nhân lực, phương tiện để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố cây xanh ngã đổ nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn các công trình và tài sản của tổ chức, người dân.

Được biết, từ đầu năm 2023 (đến ngày 30/4), Công ty Cổ phần Quản lý đô thị và môi trường Đắk Lắk đã thực hiện cắt tỉa mé nhánh 7.153 cây xanh; cắt thấp tán khống chế chiều cao 296 cây xanh để hạn chế cây bị ngã đổ; giải tỏa 100 cây bị gãy cành, 21 cây ngã đổ, đốn hạ 60 cây bị chết. Chủng loại các cây xanh bị chặt, cắt tỉa chủ yếu là cây xà cừ, sa kê, sao đen, bàng Đài Loan, long não…

Cây xanh không chỉ là "lá phổi" mà còn là bộ mặt của mỗi đô thị. Tuy đã chủ động phòng ngừa, nhưng năm nào mùa mưa bão đến, hiện tượng cây xanh gãy, đổ vẫn xảy ra, hiểm họa từ cây xanh vẫn còn, khiến người dân lo lắng mỗi lúc trời nổi cơn dông, gió lớn.

Vì vậy, ngoài sự chủ động của các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc gia tăng công tác đảm bảo an toàn cho cây xanh khi xảy ra mưa bão, gió to thì mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, không nên đứng dưới tán cây lớn, hạn chế lưu thông trên đường, tìm chỗ trú an toàn, chủ động trong việc bảo vệ bản thân và tài sản nhằm giảm thiểu thiệt hại do các sự cố bất thường xảy ra. Đặc biệt, khi phát hiện cây xanh có dấu hiệu mất an toàn hãy báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc