Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ Cư M’gar đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

08:16, 18/07/2023

Thực hiện chuyển đổi số, những năm qua Huyện Đoàn Cư M’gar đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó nổi bật là việc vận động cán bộ, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thanh toán không sử dụng tiền mặt trong giao dịch, mua sắm.

Hiện nay, thanh toán không sử dụng tiền mặt đã trở thành thói quen hằng ngày của chị Nguyễn Thị Minh Thư, Bí thư Đoàn thanh niên xã Quảng Tiến. Từ những đơn hàng nhỏ, lẻ cho đến những giao dịch có giá trị lớn chị đều ưu tiên chi trả bằng hình thức này.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có cài đặt Internet Banking, chị Thư đã nhanh chóng thanh toán hóa đơn mua hàng của mình chỉ trong vài thao tác.

Nói về hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, chị Thư chia sẻ: “Tôi thấy rất tiện lợi, không phải mang theo tiền mặt, tránh rủi ro, rơi mất và quản lý tiền của mình cũng tốt hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, việc mua sắm và thanh toán tiền bằng hình thức trực tuyến không chỉ đảm bảo cho chính mình mà còn góp phần an toàn cho xã hội…”.

Anh Ninh Tiến Đạt, Phó Bí thư Đoàn thị trấn Quảng Phú (bìa trái) tuyên truyền cho đoàn viên về tiện ích của việc thanh toán không sử dụng tiền mặt.

Để thúc đẩy hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong lực lượng ĐVTN, những năm qua Huyện Đoàn Cư M’gar đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung tăng cường tuyên truyền, vận động, phân tích cho người dân, các ĐVTN, học sinh, sinh viên thấy được những tiện ích, sự thuận tiện, hiệu quả của việc thanh toán không sử dụng tiền mặt… từ đó từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về thanh toán thông minh, chuyển đổi số, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt…

Từ những nỗ lực của Huyện Đoàn và các cơ sở đoàn, những năm gần đây, nhất là sau đại dịch COVID-19, các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt đã và đang trở thành thói quen với nhiều ĐVTN trên địa bàn huyện, đặc biệt là những cán bộ, công chức, viên chức trẻ. Không chỉ ở khu vực trung tâm huyện mà thói quen không sử dụng tiền mặt đã hình thành ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đặc biệt, số lượng và giá trị các giao dịch thanh toán trực tuyến cũng ngày càng lớn, có những giao dịch lên đến hàng trăm triệu đồng…

Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar Y Wal Mlô cho biết: Qua khảo sát cho thấy, đến thời điểm hiện nay có khoảng 40% ĐVTN trên địa bàn huyện thường xuyên thanh toán qua các giao dịch điện tử. Đặc biệt, không riêng gì mua sắm, các dịch vụ như: tiền điện, nước, điện thoại, Internet, học phí, thậm chí là Quỹ Đoàn cũng được nhiều bạn ĐVTN thanh toán trực tuyến…

Từ những thay đổi trong cách tiêu dùng của người dân, ĐVTN mà các cửa hàng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện cũng nhanh chóng thích ứng, thay đổi, cài đặt và sử dụng các ứng dụng thanh toán trên môi trường mạng. Tại nhiều cơ sở kinh doanh, thậm chí cả những tiệm tạp hóa, cửa hàng kinh doanh nhỏ cũng đã tạo những mã QR, hay áp dụng hình thức chuyển khoản ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng…

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.