Multimedia Đọc Báo in

Dự án khu tái định cư chậm triển khai: Người dân mòn mỏi chờ hạ tầng

05:51, 06/08/2023

Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư thuộc quy hoạch chi tiết khu dân cư Păn Lăm – Kô Siêr (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) được phê duyệt chủ trương từ năm 2016, song do nhiều vướng mắc, đến nay công tác triển khai chậm trễ, người dân vùng dự án mòn mỏi chờ hạ tầng.

Ngày 21/6/2016, UBND TP. Buôn Ma Thuột có Quyết định số 5536/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư thuộc quy hoạch chi tiết khu dân cư Păn Lăm – Kô Siêr, với quy mô 6,55 ha, tổng mức đầu tư hơn 91 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố.

Nhiều lần điều chỉnh

Mục tiêu đầu tư nhằm đáp ứng công tác bố trí tái định cư cho các gia đình có đất bị thu hồi, hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông đô thị thành phố, từng bước chỉnh trang đô thị, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố để trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Mặt đường Yni Ksơr (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) lởm chởm đất đá.

Được phê duyệt từ lâu, nhưng dự án chậm được triển khai và điều chỉnh nhiều lần, khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Cụ thể, dự án được điều chỉnh tại Quyết định số 2746/QĐ-UBND, ngày 29/5/2017 và Quyết định số 4527/QĐ-UBND, ngày 3/8/2017, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 117,2 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) là hơn 76,3 tỷ đồng; chia làm hai giai đoạn (giai đoạn 1 hơn 51,1 tỷ đồng; giai đoạn 2 hơn 61,1 tỷ đồng), thời gian thực hiện từ 2017 - 2021. Sau đó, dự án tiếp tục được điều chỉnh tại Quyết định số 8667/QĐ-UBND, ngày 10/10/2022, tổng mức đầu tư hơn 266,6 tỷ đồng, riêng chi phí GPMB tăng lên gần 207,4 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến hết năm 2025.

Sau nhiều lần điều chỉnh, đến cuối tháng 7/2023, các đơn vị liên quan mới tổ chức cuộc họp thông báo thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư thuộc quy hoạch chi tiết khu dân cư Păn Lăm – Kô Siêr, với 35 hộ dân tham gia.

Tuy nhiên, tại cuộc họp (tổ chức vào ngày 25/7/2023), nhiều hộ dân trong vùng dự án đề nghị điều chỉnh quy hoạch từ việc đầu tư xây dựng khu tái định cư thành đầu tư hạ tầng và cho người dân ở lại ở vị trí hiện tại; các hộ dân đề nghị chỉ giải tỏa những hộ nằm trong phạm vi đầu tư hạ tầng, hộ nào trúng đường thì giải tỏa, phần còn lại để hộ dân sinh sống…

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột, cùng với việc liên tục điều chỉnh dự án, việc chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm là nguyên nhân khiến quá trình triển khai chậm trễ. Do đó, đến thời điểm hiện tại, đơn vị mới có cơ sở để triển khai công đoạn thu thập hồ sơ, nhập phương án, sắp tới mới có kế hoạch đi kiểm đếm các thửa đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án.

Nhếch nhác đoạn đường vùng dự án

Theo chủ trương được phê duyệt, hệ thống đường giao thông thuộc Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư thuộc quy hoạch chi tiết khu dân cư Păn Lăm – Kô Siêr có 6 trục đường, với chiều dài gần 1,4 km, với chỉ giới đường đỏ từ 12 - 20 m. Trong đó có một đoạn đường Yni Ksơr có chiều dài gần 467 m – đây là trục giao thông chính thông ra đường Hùng Vương, đường Ama Jhao và các đường nhánh khác thuộc phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột).

Hằng ngày, số lượng phương tiện và người tham gia giao thông trên tuyến khá cao, song từ nhiều năm nay tuyến đường bị xuống cấp, hư hỏng nặng khiến việc đi lại, giao thương của người dân gặp nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Công Trí (buôn Păn Lăm, phường Tân Lập) chia sẻ: năm 2010, gia đình anh chuyển đến buôn Păn Lăm ở và mở xưởng mộc. Anh không hiểu lý do vì sao, dù chỉ còn một đoạn ngắn khoảng 500 m, nhưng mười mấy năm nay chưa thấy triển khai làm.

Mỗi lần mùa mưa đến, mặt đường ngập nước, người dân và phương tiện phải mò mẫm dò đường để tránh đi vào ổ voi, ổ gà. Mang tiếng ở ngay trung tâm thành phố, nhưng do tuyến đường hư hỏng nặng nên nhìn khu dân cư lúc nào cũng nhếch nhác, bẩn thỉu.

Sau một trận mưa, nước choán hết mặt đường Yni Ksơr (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột).

Đối diện nhà anh Trí, anh Nguyễn Tám cũng vô cùng ngán ngẩm vì có xưởng gỗ ở trên đoạn đường chi chít ổ gà, ổ voi, lởm chởm đất đá. Anh Tám than thở: hơn 20 năm làm nghề mộc ở đây, anh không nhớ bao nhiêu lần gia đình mình và các hộ dân dọc đường Yni Ksơr đóng góp tiền để mua xà bần, thuê máy lấp các hố sâu trên đoạn đường này. Song chỉ cần một trận mưa lớn là đâu lại vào đó. Đã rất nhiều lần nước ngập đường, tràn vào xưởng gỗ của gia đình anh làm nguyên liệu ẩm mốc, máy móc hư hỏng. Trong nhiều năm qua, cũng có nhiều người khi di chuyển qua đoạn đường này bị té xe, trầy xước chân tay. Anh chỉ mong con đường sớm được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng để bà con trong buôn có một con đường đi lại dễ dàng, thuận lợi hơn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tân Lập Đinh Xuân Thành cho hay, thời gian qua, địa phương cũng nhận được phản ánh của người dân về thực trạng hư hỏng, xuống cấp của đoạn cuối đường Yni Ksơr và đề nghị sửa chữa.

Trước kiến nghị đó, chính quyền địa phương đã trao đổi với lãnh đạo TP. Buôn Ma Thuột triển khai xây dựng đoạn cuối đường Yni Ksơr, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, song đoạn đường này lại nằm trong Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư quy hoạch chi tiết khu dân cư Păn Lăm – Kô Siêr nên không thể tách riêng. Hiện nay, Đảng ủy, UBND phường đang tích cực phối hợp cơ quan chuyên môn để triển khai công tác kiểm đếm, vận động bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư sớm triển khai dự án, trong đó có đoạn cuối đường Yni Ksơr.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.