Multimedia Đọc Báo in

Đừng để người trẻ hiếu học phải... thất học!

15:05, 25/09/2023

20 năm trước (2003), cũng vào những ngày tháng 9 rộn ràng khai giảng năm học mới, có một cậu học trò ở Quảng Trị nhận tờ giấy báo trúng tuyển đại học lần thứ hai, nhưng không biết sẽ tiếp tục đến trường như thế nào.

Không để người hiếu học phải thất học, chỉ vì nghèo khó!

Năm học trước đó, cậu học trò này cũng trúng tuyển vào khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Nhưng ngày khai giảng đã qua mà cậu vẫn không thể đến trường chỉ vì không đủ tiền để nhập học. Cậu ta phải đi phụ hồ để hy vọng kiếm tiền cho năm sau đi học trở lại. Cậu học trò ấy là Nguyễn Thanh Lập, ở xóm Rào, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, học sinh chuyên toán Trường THPT Quốc Học - Huế. Lập mồ côi cha từ năm 10 tuổi, mẹ tần tảo với gánh hàng rau ở chợ quê.

Năm sau (2003), Lập lại trúng tuyển vào khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh với 24 điểm - thuộc nhóm điểm cao nhất của trường này năm đó. Lần này, bà mẹ bán rau phải chạy vạy khắp làng xóm số tiền đủ để học xong học kỳ 1, sau đó sẽ xin bảo lưu để về quê tiếp tục phụ hồ gom tiền vào học tiếp.

Tân sinh viên các tỉnh Tây Nguyên nhận học bổng “Tiếp sức tới trường” tại TP. Buôn Ma Thuột những năm trước.

Câu chuyện cậu học trò “Hai lần trúng tuyển đại học mà cổng trường vẫn còn xa” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 6/9/2003 đã khiến cho nhiều người nao lòng. Hàng chục người gọi điện, gửi email đến tòa soạn: “Chúng tôi muốn giúp đỡ em Nguyễn Thanh Lập!”. Nhiều đơn vị muốn giúp Lập chỗ ăn ở, việc làm thêm; nhiều doanh nghiệp đã quyết định cấp học bổng hằng tháng để giúp Lập học xong bốn năm đại học. Chỉ trong ba ngày, số tiền các nhà hảo tâm đóng góp giúp đỡ đã lên đến gần 22 triệu đồng (thời điểm đó, học phí một năm khoảng 5 triệu). Con số giúp đỡ vẫn tiếp tục tăng lên, khiến Lập phải từ chối nhận thêm, và đề nghị giúp cho các bạn khác cùng hoàn cảnh.

“Có thể nói năm nay Lập gặp vận may, được báo phát hiện. Còn bao nhiêu bạn trẻ nhà nghèo chưa được gặp may thì sao? Nếu báo không phát hiện, thì ai sẽ giúp họ bước chân vào đại học?”. Một độc giả đã đặt ra câu hỏi đó, và đề nghị thành lập quỹ học bổng giúp học sinh nghèo vượt qua ngưỡng cửa đại học. Học bổng “Tiếp sức đến trường” ra đời ngay lúc đó, tháng 9/2003, để tiếp sức kịp thời cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vừa đậu đại học, cao đẳng; với quyết tâm: không để cho bạn trẻ hiếu học nào phải thất học, chỉ vì nghèo khó! Tính đến tháng 9/2023, quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường” đã tròn 20 năm. Khởi đầu từ tỉnh Quảng Trị, nay đã phủ gần khắp cả nước. Hơn 23.300 sinh viên đã được tiếp sức. Nhiều người nhận học bổng nay đã trở thành nhà tài trợ.

Trả nợ ân tình cho mai sau

Ông Lê Quốc Phong, cựu Giám đốc Công ty phân bón Bình Điền, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị, người đã đồng hành với học bổng “Tiếp sức đến trường” ngay từ năm đầu tiên 2003. Ông Phong sống ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng mỗi năm đều đặn vào tháng 9, ông lại kêu gọi bạn bè góp tiền để về quê Quảng Trị tiếp sức cho những sinh viên vừa đậu đại học, cao đẳng có nguy cơ không thể đến trường, hoặc đến trường trong tình trạng nợ nần khốn khó. Khi nhận học bổng, nhiều sinh viên đã rơi nước mắt nói lời cảm ơn. Ông Phong cười vui và nói: “Các em không nợ gì chúng tôi, mà các em nợ các bạn đi sau. Nếu mai này các em muốn trả nợ ân tình thì hãy tiếp tục giúp cho đàn em có hoàn cảnh khó khăn”.

PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, người sáng lập bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cũng là người thành lập Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên - Huế. Khi trao học bổng cho sinh viên ở quê nhà Thừa Thiên - Huế, thầy Tống tâm tình: “Các bạn đừng quá nặng lòng khi nhận những đồng tiền của người hảo tâm hỗ trợ. Hãy xem như các bạn vay vốn, nhưng không phải trả lại cho chúng tôi. Các bạn hãy học thật giỏi, sống thật tốt. Đó là một cách để trả nợ. Và tốt nhất, hãy trả cho đàn em của mình sau này, những người trẻ hiếu học nhưng gặp phải hoàn cảnh khó khăn như các bạn hôm nay”.

Sau 20 năm, điều mà ông Phong và thầy Tống cũng như rất nhiều nhà hảo tâm khác mong chờ cũng đã hiện hữu. Đó là sự trưởng thành của hàng nghìn sinh viên từng nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”. Nhiều người trong số đó nay đã thành tiến sĩ, giảng viên, bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân... Và họ đã trở lại đóng góp để cùng các bác, các thầy tiếp tục cuộc tiếp sức đến trường cho đàn em.

Trong số những người trẻ trở về mái nhà nhân ái ấy có cô gái Đào Thị Hằng, người đã nhận học bổng vào năm 2005. Với biệt danh “Hằng mắm ruốc”, cô gái Quảng Trị này đã sáng lập ra thương hiệu “Mắm Thuyền Nan”, nông trại Hama, tác giả sách “Lên núi học tiếng Anh”... Từ giảng đường Đại học Nông lâm Huế, cô gái này đã du học Úc, Canada, đi khắp nơi trong nước để truyền cảm hứng học hành cho bạn trẻ. “Khi nhận học bổng, tôi ghi nhớ lời gửi gắm “Các em không nợ gì chúng tôi, các em nợ các bạn đi sau”. Nó là động lực giúp tôi cố gắng hơn trong học tập, công việc và có trách nhiệm giúp các bạn cùng hoàn cảnh” - Hằng nói.

 

Tiếp sức hôm nay là đầu tư cho mai sau

Đồng hành với cuộc “Tiếp sức đến trường” này trong 20 năm qua, tôi đã nhận ra nhiều điều thật sâu sắc, từ người tiếp sức lẫn người được tiếp sức. Trong những người hảo tâm ấy, nhiều người đã từng trải qua tuổi trẻ cơ cực, nhưng không ít người chưa từng nghèo khổ. Có người khá giả, nhưng phần đông chỉ có chút dư dật nhờ vào cần cù lao động. Điểm gặp nhau của họ là cùng một tâm niệm: không để người hiếu học phải thất học, chỉ vì nghèo khó!

Nếu nói họ giàu, thì cái giàu của họ là giàu tình người và giàu trí tuệ. Họ tham gia cuộc tiếp sức này không chỉ bằng một trái tim biết động lòng trắc ẩn trước người nghèo khó. Họ đều nói với nhau: một người trẻ hiếu học mà học giỏi, đã nỗ lực hết sức rồi mà vẫn chưa thể đặt chân vào trường đại học, thì đó chính là người mà chúng ta phải tiếp sức.

PGS. Nguyễn Thiện Tống tâm tình rằng, chúng ta trao học bổng nhưng không phải là làm từ thiện, mà chính là đầu tư cho xã hội, cho tương lai của cộng đồng. Bởi vì, những bạn trẻ hiếu học mà học giỏi này, nếu họ được học xong đại học, cao đẳng, thì đó là một nguồn lao động chất lượng cho xã hội. Và khi đã có nguồn thu nhập, họ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho những người trẻ khác, cũng hiếu học và học giỏi mà gặp hoàn cảnh khó khăn như họ. Như vậy, xã hội sẽ giảm dần tình trạng người có năng lực mà thất học. Nếu không làm được việc này, thì đó là một thất bại của cả cộng đồng. Và điều đáng nói là, gây lãng phí một nguồn lao động chất lượng cho xã hội. Nếu trong số người thất học vì nghèo khó, có những người tài giỏi thì đó là một tổn thất nặng nề.

Ngày đầu năm học mới, kể lại câu chuyện cũ nhưng không bao giờ cũ này, để cùng nhau tiếp sức cho người khó khăn quanh ta. Để cho người hiếu học không phải thất học, chỉ vì nghèo khó!

Minh Tự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.