Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực duy trì tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở huyện Lắk

08:24, 08/09/2023

Tuy đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân ở huyện Lắk đã thay đổi nhận thức, ý thức tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) để được chăm sóc sức khỏe, bảo đảm công tác an sinh xã hội.

Huyện Lắk có 66% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2022 huyện không nằm trong danh sách các huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025 của cả nước, nhiều đối tượng ra khỏi danh sách hỗ trợ cấp BHYT theo quy định, nhưng việc phát triển đối tượng tham gia BHYT vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận, bao phủ BHYT toàn dân.

Tính đến tháng 8/2023, toàn huyện có trên 73.500 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 100%; trong đó, có 1.830 người tham gia theo diện hộ gia đình, còn lại được Nhà nước cấp theo diện hộ dân sinh sống ở xã vùng 3.

Có được kết quả này, ngoài sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể thì BHXH huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về quyền lợi của người tham gia BHYT, đảm bảo quyền lợi của người dân trong quá trình khám, chữa bệnh bằng BHYT…

Chị Nguyễn Thị Lanh (bên phải) tìm hiểu chính sách bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Đơn cử như trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Lanh (tổ dân phố 3, thị trấn Liên Sơn) từ nhiều năm nay đều duy trì tham gia BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình. Theo chị Lanh, tham gia BHYT là hình thức "đóng góp khi lành, để dành khi ốm". Vì thế, nhà có 6 người thì đều tham gia BHYT theo hộ gia đình để vừa giảm chi phí đóng, vừa được chăm sóc sức khỏe khi không may ốm đau, bệnh tật. Đặc biệt, bản thân chị Lanh đang mang thai và sắp sinh nên việc tham gia BHYT sẽ giúp tiết kiệm được khá nhiều chi phí khi sinh nở.

Được biết, trên địa bàn huyện Lắk có 9 xã thuộc khu vực 3 nên người dân được Nhà nước cấp thẻ BHYT; riêng khu vực thị trấn Liên Sơn và xã Buôn Tría thì người dân phải tự mua BHYT. Do đó, để phát triển đối tượng tham gia BHYT ở hai địa bàn này, BHXH huyện ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình thì còn đặc biệt chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, xác định hộ gia đình nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình để hỗ trợ người dân tham gia BHYT từ kinh phí ngân sách tỉnh. Được biết, hiện nay tại thị trấn Liên Sơn và xã Buôn Tría đã có trên 870 hộ được phê duyệt là hộ nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình.

Cán bộ xã Buôn Tría kiểm tra, xác minh danh sách hộ gia đình nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình.

Bà Nguyễn Thị Lợi (thôn Liên Kết, xã Buôn Tría) chia sẻ: “Gia đình tôi có ba người tham gia BHYT. Những năm trước, mỗi lần mua BHYT phải gần 2 triệu đồng; tuy nhiên, năm nay sau khi được xác nhận hộ nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình thì tôi mua 3 thẻ BHYT chưa đến 1 triệu đồng. Việc tham gia BHYT theo diện này đã giúp gia đình tiết kiệm được một số tiền không nhỏ; điều đáng nói là có được tấm thẻ BHYT khiến mỗi thành viên trong nhà yên tâm hơn khi không may ốm đau, nằm viện. Bản thân vợ chồng tôi cũng hay ốm đau, phải nhập viện để điều trị nên càng thấu hiểu được ý nghĩa của việc tham gia BHYT có lợi như thế nào”.

Theo BHXH huyện Lắk, việc tham gia BHYT mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may đau ốm đau, bệnh tật. BHYT mang ý nghĩa nhân đạo cộng đồng sâu sắc vì khi người dân cùng tham gia thì người khỏe sẽ hỗ trợ cho những người chẳng may bị ốm đau, bệnh tật. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.