Multimedia Đọc Báo in

Diện mạo mới của những ngôi trường vùng sâu

08:54, 01/10/2023

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, thời gian qua, công tác giáo dục ở các xã vùng sâu trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc.

Trường Mẫu giáo Hòa Phong (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) hiện có 8 điểm lẻ, gồm 11 lớp học ở các thôn, buôn trên địa bàn xã, với 340 học sinh. Trong đó, riêng điểm trường ở thôn Ea Khiêm, trong giai đoạn 2019 - 2022 đã được đầu tư xây dựng 5 phòng học từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương. Điểm trường hiện có 160 học sinh là con em đồng bào Mông đang theo học.

Nhìn ngôi trường được khoác lên mình "chiếc áo mới" khang trang, sạch đẹp, cô Nguyễn Thị Mỹ Hội, Phó hiệu Trưởng Trường Mẫu giáo Hòa Phong xúc động tâm sự: “Trước đây, điểm trường này học chung với điểm trường tiểu học và THCS. Các lớp học đều được dựng tạm bợ bằng tre, nứa, gỗ do người dân tự làm, nên rất vất vả. Điểm trường cách trung tâm xã khoảng 9 km, đường sá, cầu cống chưa được đầu tư nên mỗi buổi sáng trước khi đến lớp, giáo viên phải chuẩn bị một đôi ủng và một cây gậy, đi xe máy đến đầu thôn thì gửi xe ở nhà dân rồi cùng nhau lội bộ vào trường, khi đến điểm trường cũng đã 9 giờ sáng. Mình gắn bó với điểm trường này từ khi các thôn người Mông còn sơ khai nên thấm thía hết nỗi vất vả của cả thầy và trò. Nhờ sự hiếu học của các em và tình cảm yêu mến của phụ huynh nơi đây đã khiến thầy cô giáo vẫn nỗ lực bám trường, bám lớp đến bây giờ. Từ khi trường được xây dựng khang trang, đường sá, cầu cống được đầu tư hoàn thiện đã tạo nhiều thuận lợi cho việc dạy và học, thầy cô rất phấn khởi và học sinh cũng tích cực đến lớp hơn”. Cũng nhờ đó, những năm qua, điểm trường vùng sâu này không có tình trạng học sinh bỏ học, học sinh quá độ tuổi đến trường… Phụ huynh ngày càng ý thức, quan tâm đến việc học của con em mình hơn.

Trường Tiểu học Cẩm Phong (điểm trường thôn Ea Khiêm, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) khoác lên mình "chiếc áo mới" khang trang, sạch đẹp. Ảnh: P. Thảo

Không chỉ điểm Trường Mẫu giáo Hòa Phong mà điểm trường thôn Ea Khiêm của Trường Tiểu học Cẩm Phong (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) cũng được đầu tư xây dựng hoàn thiện. Điểm trường tiểu học hiện có hơn 500 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào Mông. Từ nguồn vốn Dự án quy hoạch, sắp xếp ổn định dân di cư tự do, trường đã được đầu tư xây dựng 16 phòng học cho học sinh và Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ xây dựng 3 phòng công vụ cho giáo viên nghỉ ngơi. Ngoài ra, nhà trường còn được đầu tư máy lọc nước và 10 ti vi phục vụ việc học của các em. Trường học xây dựng khang trang, kiên cố, có đầy đủ điện nước, công trình vệ sinh nên thầy cô và phụ huynh đều rất phấn khởi. Là điểm trường khó khăn nhất của Trường Tiểu học Cẩm Phong nên hằng năm, nhà trường đều kêu gọi và vận động mạnh thường quân hỗ trợ sách vở, quần áo… và tạo mọi điều kiện giúp đỡ để các em được tiếp tục được đến trường.

 

Năm học mới 2023 - 2024, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 900 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa, mua sắm thiết bị dạy học. Trong đó, xây mới  618 phòng học, 1.090 phòng học được sửa chữa và nhiều công trình khác.

Cách điểm trường chính Trường Mầm non Hoa Phượng (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) 7 km, Phân hiệu buôn Mông (buôn Mông, xã Ea Kiết) có cơ sở vật chất còn tạm bợ và nhiều khó khăn. Các cô giáo và nhiều thế hệ học sinh đã trải qua 9 năm học trong căn phòng tạm bợ được dựng bằng gỗ, lợp mái tôn, thường xuyên phải chịu ướt mỗi lúc trời trở mưa bão. Đến nay, Phân hiệu buôn Mông vẫn chưa có điện, đường sá đi lại còn khó khăn. Theo chia sẻ của các cô giáo tại đây, học sinh chủ yếu là con em đồng bào Mông, bố mẹ thường xuyên đi làm nương rẫy nên nhiều học sinh phải tự đi bộ từ 5 – 7 km để đến trường. Buổi trưa, các em về nhà ăn cơm, chiều quay lại trường học nên nhiều học sinh không có thời gian nghỉ ngơi buổi trưa… Năm học 2023 – 2024, phân hiệu có 60 học sinh. Trước thềm năm học mới, cô trò tại phân hiệu rất vui khi được Agribank Đắk Lắk quan tâm, tài trợ xây dựng và đã bàn giao 2 phòng học với diện tích 110 m2, được trang bị đầy đủ bàn ghế, quạt… góp phần tiếp thêm động lực cho cô trò tại đây vượt qua khó khăn trên con đường đến lớp. Cô Vi Thị Bằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng vui mừng bày tỏ: “Năm học mới, các em học sinh đã được học trong căn phòng khang trang, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho cả cô và trò. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đây sẽ là một năm học đáng nhớ của cô và trò tại phân hiệu nói riêng và Trường Mầm non Hoa Phượng nói chung”.

Cô trò Phân hiệu buôn Mông thuộc Trường Mầm non Hoa Phượng (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar). Ảnh: Đ.Hằng

Phòng học mới khang trang, sạch đẹp cũng là niềm vui của cô trò tại Phân hiệu Giang Đông của Trường Mầm non Hoa Cúc Trắng (thôn Giang Đông, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng). Phân hiệu có một phòng học, 35 học sinh từ 4 – 5 tuổi, cách điểm trường chính khoảng 15 km. Trước đây, cơ sở vật chất tại phân hiệu cũng trong tình trạng tạm bợ, chưa đáp ứng được nhu cầu an toàn, vệ sinh cho học sinh. Các em không có khu vui chơi, nền gạch cũ không đảm bảo vệ sinh và không có nước… là tình trạng đã kéo dài nhiều năm liền. Năm học mới này, Phân hiệu Giang Đông đón niềm vui mới khi được Đoàn Thanh niên Công an tỉnh phối hợp với nhiều tổ chức thiện nguyện sửa lại tường, cửa kính, nền gạch, tặng bồn nước, ti vi... Đây là những điều kiện thuận lợi để giúp cô trò tự tin bước vào năm học mới 2023 – 2024.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, những năm qua, các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đã có nhiều đóng góp tích cực cho nền giáo dục khi có những chương trình hỗ trợ xây dựng phòng học, mua sắm thiết bị dạy học, trao tặng học bổng... cho các em học sinh, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa. Năm 2023, tổng nguồn vốn xã hội hóa hỗ trợ cho giáo dục là hơn 8 tỷ đồng. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Đăng Khoa, sự quan tâm, chia sẻ của các tổ chức xã hội thời gian qua đã phần nào đồng hành cùng nhiều thế hệ học sinh, nhất là các em tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp các em có cơ hội được học tập trong môi trường mới, đảm bảo an toàn, sạch đẹp. Đây cũng là điều kiện thuận lợi, góp phần giúp ngành giáo dục ngày càng phát triển và đạt nhiều thành tựu hơn nữa trong năm học mới.

Phương Thảo - Đinh Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.