Multimedia Đọc Báo in

Già làng Aê Blih tuổi cao, gương sáng

07:10, 12/10/2023

Đã đi qua 85 mùa rẫy, già làng Y Lu Byă (thường gọi là Aê Blih, dân tộc Êđê) sống ở buôn Cư Păm (xã Dang Kang, huyện Krông Bông) luôn được bà con kính trọng, yêu mến.

Già Aê Blih từng có hơn 40 năm công tác ở địa phương; từ vai trò là một đội trưởng đội sản xuất cho đến trưởng buôn, làm công việc gì ông cũng được bà con tin tưởng tín nhiệm. Từ năm 2004 đến nay, ông được bà con bầu làm già làng, người uy tín, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi kiêm Tổ trưởng Tổ hòa giải buôn Cư Păm…

Buôn Cư Păm có 330 hộ, 1.577 khẩu, là buôn đông dân nhất trong xã, người dân hầu hết là đồng bào dân tộc Êđê. Để làm tròn vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với bà con trong buôn, già Aê Blih chú trọng đến người cao tuổi và phụ nữ chủ gia đình (người Êđê theo chế độ mẫu hệ), xem họ là một “mắt xích” quan trọng trong công tác vận động quần chúng; bản thân ông luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động để làm gương cho mọi người noi theo.

Bằng uy tín của mình, già Aê Blih thường xuyên vận động bà con thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nêu cao tinh thần đoàn kết, đề phòng cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch… Ông cùng với trưởng buôn vận động bà con chuyển đổi hàng chục héc-ta đất bạc màu sang trồng cây vải thiều, cây hoa hòe mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông tham gia vận động bà con trong buôn hiến gần 6.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, riêng cá nhân ông vận động trực tiếp các hộ hiến được 500 m2 đất. Để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống cũng như xóa bỏ hủ tục không còn phù hợp, già làng Aê Blih tổ chức lớp dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên…

Già làng Aê Blih với tấm Bằng khen từ Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Hằng năm, già Aê Blih vận động bà con thuộc 5 buôn trong xã tập trung về cúng bến nước tại một địa điểm chung và bản thân ông là người trực tiếp thực hiện các nghi lễ cúng theo đúng phong tục truyền thống. Khi vợ ông qua đời, những người trong dòng họ vợ muốn ông thực hiện phong tục chuê nuê (nối dây), nhưng nhận thấy đây là một hủ tục cần loại bỏ, già Aê Blih đã từ chối, quyết định ở vậy nuôi dạy con cháu.

Già làng Aê Blih còn được bà con trong buôn nể trọng với vai trò là một người hòa giải công minh. Trên cơ sở các quy định pháp luật, ông đã phân tích rõ ràng, thuyết phục vừa có tình, vừa có lý khi tham gia hòa giải nhiều vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong gia đình và láng giềng, không để “chuyện bé xé ra to”, không để đơn thư vượt cấp… Chính vì thế, trong buôn Cư Păm luôn ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên… Tỷ lệ hộ nghèo trong buôn từ hơn 51% trước đây, đến nay giảm xuống còn 21,5%.

Nói về già làng Aê Blih, ông Nguyễn Tấn Kính, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Dang Kang cho biết: Tuy năm nay tuổi đã vào hàng “xưa nay hiếm” nhưng già làng Aê Blih vẫn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm với công việc của buôn làng, được bà con thương yêu, kính trọng.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.