Multimedia Đọc Báo in

Lấy thân mình làm "mồi nhử" bắt muỗi

08:59, 22/10/2023

Để phục vụ công tác xét nghiệm, giám sát, qua đó góp phần dự báo tình hình bệnh sốt rét trên địa bàn, các nhân viên khoa Ký sinh trùng – Côn trùng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã không quản khó khăn, vất vả, lặn lội vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, lấy thân mình làm… mồi nhử bắt muỗi.

Từ TP. Buôn Ma Thuột, vượt qua quãng đường hơn 60 km, các nhân viên khoa Ký sinh trùng – Côn trùng (CDC) mới đến được buôn Đrăng Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) – vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Với những túi to, túi nhỏ lỉnh kỉnh dụng cụ phục vụ cho việc bắt muỗi như đèn pin, đèn nhử muỗi, lam lấy mẫu, ống nghiệm thủy tinh dùng bắt muỗi…, các nhân viên y tế đã lập tức lắp ráp đồ đạc chuẩn bị lên đường đi… bắt muỗi, bởi thời gian thích hợp để bắt muỗi thường từ 18 giờ tối đến rạng sáng hôm sau.

Để phục vụ giám sát, điều tra muỗi truyền bệnh sốt rét, nhân viên chuyên trách có thể dùng các phương pháp khác nhau như: Bắt muỗi trú đậu trong nhà ban ngày và ban đêm, ở ngoài nhà ban ngày, ở chuồng gia súc ban đêm; dùng bẫy đèn, bẫy màn bắt muỗi, đặc biệt là lấy thân mình làm… mồi cho muỗi đốt máu ban đêm để bắt. Phương pháp dùng mồi người bắt muỗi đêm được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát và phòng chống sốt rét ban hành tại Quyết định số 4922/QĐ-BYT ngày 25/10/2021.

Theo đó, người bắt muỗi phải bộc lộ các phần cơ thể như tay, chân… để dẫn dụ muỗi bay đến bám đậu, chích hút máu để bắt. Muỗi sau khi bắt về sẽ được xác định thành phần loài, tính mật độ muỗi để phục vụ giám sát, điều tra, hoặc dùng thử nghiệm sinh học, xác định mức nhạy cảm của muỗi đối với hóa chất và đánh giá hiệu lực diệt tồn lưu của hóa chất.

Anh Y Thoắt bắt muỗi sốt rét tại chuồng gia súc ở buôn Đrăng Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn).

Để bắt đủ muỗi phục vụ cho công tác điều tra, giám sát bệnh sốt rét, mỗi chuyến đi, các nhân viên khoa Ký sinh trùng – Côn trùng thường phải ở lại trong rừng từ 3 - 4 ngày. Khác với các loài muỗi khác, muỗi Anophene gây bệnh sốt rét chỉ hoạt động vào buổi tối và ít bị đánh lừa bởi bẫy ánh sáng nên cách duy nhất để bắt được chúng là lấy thân mình để nhử. Phơi mình suốt đêm, các nhân viên y tế không chỉ làm mồi cho muỗi Anophene mà còn bị nhiều loài côn trùng khác cắn, đốt.

Hơn 17 năm làm công tác phòng, chống sốt rét, anh Y Thoắt Mlô (khoa Ký sinh trùng – Côn trùng) không thể đếm hết những đêm anh thức trắng lấy thân mình làm mồi nhử bắt muỗi. Hầu như tất cả các khu rừng trên địa bàn tỉnh đều đã in dấu chân của anh và các đồng nghiệp. Để bắt được muỗi, anh Y Thoắt luôn tự mình thực hiện việc đặt bẫy đèn, vào tận chuồng trâu, chuồng bò, lùm cây, bụi rậm để đánh giá mật độ muỗi, lấy cơ thể mình ra làm mồi cho muỗi đốt. Anh Y Thoắt cho biết, những nhân viên làm công việc phòng, chống bệnh sốt rét ai cũng từng vào rừng, trèo đèo, lội suối, thức trắng đêm, đặc biệt là nguy cơ mắc bệnh sốt rét.

Với công việc này, nhân viên y tế nam đã vất vả thì nhân viên nữ còn gặp nhiều khó khăn hơn. Là một người mẹ, người vợ với bao công việc phải lo toan, nhưng những năm qua, chị Nguyễn Thị Kim Tuyền, nhân viên khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (CDC) vẫn nhiệt huyết với công việc, sẵn sàng lấy thân mình làm mồi nhử bắt muỗi. Giữa màn đêm, chị ngồi cạnh chuồng gia súc ngay giữa rừng, đôi tay thoăn thoắt dùng ống nghiệm thủy tinh bắt muỗi đang đốt trên chân một cách thuần thục. Chị Tuyền tâm sự, phải yêu và đam mê với nghề thì mới làm được công việc này bởi việc bắt muỗi quá vất vả, thường xuyên phải thức đêm ngồi giữa rừng hoặc vào ngồi ở chuồng gia súc, chưa kể tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh. “17 năm gắn bó với công việc này, dù vất vả, khó khăn, thậm chí có thể mắc bệnh cũng không sao, tôi chỉ mong công việc mình làm đóng góp phần nào giúp sớm loại trừ bệnh sốt rét, bà con không còn mắc bệnh nữa là vui rồi”, chị Tuyền trải lòng.

Chị Tuyền cùng đồng nghiệp kiểm tra muỗi bắt được.

Trong nghiên cứu muỗi truyền bệnh sốt rét, các nhà khoa học về côn trùng đã thực hiện phương pháp điều tra bằng cách bắt muỗi ở chuồng gia súc, bìa rừng vào ban đêm để thu thập dữ liệu. Sau khi bắt muỗi, gây mê, họ sẽ phân tích để biết được: thành phần loài, đặc tính, ái tính (muỗi đốt người hoặc động vật hoặc cả hai), sự thay đổi của véc tơ truyền bệnh sốt rét… Từ đó tìm ra biện pháp phòng bệnh sốt rét hiệu quả theo từng vùng nhất định. Nhờ đó mà những năm gần đây, công tác phòng bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc CDC cho biết: 9 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh chỉ ghi nhận 7 trường hợp mắc sốt rét, chủ yếu là các trường hợp ngoại lai. Tỉnh đang thực hiện lộ trình tiến tới loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2028, do đó, công tác phòng, chống sốt rét luôn được chú trọng từ việc chủ động điều tra, giám sát tại các địa bàn “nóng” về sốt rét như các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Năng, Ea H’leo tới việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân. Để đạt được kết quả này có sự góp sức không nhỏ của những nhân viên y tế chuyên đi bắt muỗi.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc