Nhức nhối nạn mua bán người (kỳ 1)
Hoạt động mạnh trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người (MBN) đã và đang gây bức xúc trong xã hội không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tại tỉnh Đắk Lắk, tình hình tội phạm MBN nói chung, mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp; tính chất và thủ đoạn ngày càng tinh vi, có tổ chức, mang tính xuyên quốc gia.
Kỳ 1: Vì đâu nên nỗi?
Mời chào hấp dẫn, nhiệt tình, các đối tượng MBN dần dẫn dắt nạn nhân vào các bẫy đặt sẵn mang tên “việc nhẹ, lương cao”. Những tưởng giấc mơ đổi đời sẽ thành hiện thực nhưng thực tế phũ phàng là nạn nhân phải trải qua tháng ngày cơ cực, đắng cay và ám ảnh…
Mồi nhử “việc nhẹ, lương cao”
Năm 2018, do không có việc làm ổn định, lại chật vật nuôi con nhỏ, trong đó có một cháu bị bệnh tim bẩm sinh nên chị H.N. (ở xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) đã lên mạng tìm kiếm việc làm. Biết chị cần tiền chữa bệnh cho con, đối tượng tên Quân (tỉnh Đắk Nông) với vẻ bề ngoài lịch thiệp, nhiệt tình đã dụ dỗ, lừa giới thiệu việc làm thu nhập cao nhưng sau đó đã bán chị sang Trung Quốc.
Bị đưa đến chỗ của người phụ nữ tên Giang ở TP. Nam Ninh (Trung Quốc), chị N. và nhiều phụ nữ Việt Nam khác trở thành món hàng sang tay cho bao gã đàn ông xa lạ. Chưa đầy 5 tháng ở xứ người, chị N. bị bán tới hai lần cho hai “người chồng”. Tủi nhục, trầy trật “làm vợ” nơi đất khách, chị N. tìm mọi cách trốn khỏi “nhà chồng”. May mắn, chị N. liên hệ được với một người Việt sinh sống ở đây, sau đó nhờ kết nối phương tiện, ăn ngủ vật vờ gần cả tuần mới về được Việt Nam…
Chị H.N. (TP. Buôn MaThuột) - nạn nhân của tội phạm mua bán người qua Trung Quốc. |
Cũng rơi vào bẫy “việc nhẹ, lương cao”, 6 nạn nhân ở xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) đã bị lừa bán vào các công ty chuyên hoạt động lừa đảo và đánh bạc trên mạng ở Campuchia. Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, khoảng đầu năm 2022, từ mối quan hệ quen biết, đối tượng Viên Đình Mạnh (xã Ea Rốk) được người đàn ông tên Đốc (chưa xác định được nhân thân lai lịch) thông tin về việc tìm người đưa sang Campuchia làm việc nhẹ trên máy tính với mức lương 700 USD/tháng. Mạnh sẽ được Đốc trả công 5 triệu đồng/người/tháng làm việc. Vì hám lợi, Mạnh đã dụ dỗ, lôi kéo và bán 6 nạn nhân, trong đó có cả em trai của mình…
Theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã xác lập hai chuyên án trinh sát đấu tranh với các nhóm đối tượng MBN qua Campuchia và một chuyên án trinh sát đấu tranh với nhóm đối tượng MBN nội địa. Kết quả đã làm rõ và khởi tố điều tra 4 vụ, 16 bị can về tội MBN, MBN dưới 16 tuổi. |
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, lợi dụng tình trạng người lao động cần việc làm, tội phạm MBN đã sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook đăng thông tin tuyển dụng với mức lương từ 800 - 1.000 USD/tháng, không cần bằng cấp, không cần kinh nghiệm, được đào tạo có lương, bao mọi chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt… để dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân đang khó khăn về tài chính.
Bất chấp thủ đoạn
Mới đây, TAND tỉnh đã xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hiền, Trần Văn Ngàn cùng các đối tượng liên quan về tội MBN mức án từ 9 - 14 năm tù.
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Văn Hiền (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) từng làm việc ở công ty game đánh bạc trực tuyến tại Campuchia nên biết doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển dụng người Việt Nam làm việc. Khi môi giới thành công sẽ được trả một khoản hoa hồng từ 2.000 - 3.000 USD/người. Tháng 9/2021, thông qua mạng xã hội, Hiền liên hệ với một số bạn bè ở Việt Nam nhờ tìm và kết nối tuyển dụng người sang Campuchia. Hiền dặn những người tuyển dụng đăng tải thông tin rằng, người lao động sẽ làm việc ở khu vực cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) cách biên giới khoảng 200 m, công việc làm chủ yếu trên máy tính, lương cao. Hiền còn dặn người tuyển dụng lập Zalo, Facebook ảo nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan công an.
Trong số những người được Hiền nhờ tuyển dụng có Trần Văn Ngàn (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin). Chỉ trong năm 2021, các đối tượng đã kết nối và lừa bán sang Campuchia 5 người (trong đó có 1 nạn nhân ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai và 4 nạn nhân khác ở TP. Buôn Ma Thuột).
Cán bộ Công an tỉnh Đắk Lắk lấy lời khai, xử lý đối tượng Nguyễn Thị Hoa, một "mắt xích" trong vụ mua bán người liên tỉnh. |
Không chỉ câu kết MBN ra nước ngoài, nhiều đối tượng còn lừa lọc, móc nối, MBN phục vụ tại các động mại dâm biến tướng ngay trong nội địa. Để dẫn dụ nạn nhân, các đối tượng đăng tin trên Facebook: tuyển nhân viên nữ phục vụ công việc chọn bài hát, rót bia, hát cùng khách, lành mạnh, môi giới, giới thiệu sẽ có tiền; không mại dâm, không vi phạm pháp luật; độ tuổi từ 18 - 25 tuổi; lương tháng trung bình từ 20 - 25 triệu đồng tùy thuộc vào năng lực của bản thân... Ngoài đăng tuyển trên mạng, chúng còn liên hệ với các đối tượng môi giới và trả từ 15 - 40 triệu đồng nếu “tuyển” thành công một nhân viên nữ. Số tiền này, người trúng tuyển chịu và phải đi làm để trả cho chủ.
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện một tụ điểm chuyên "chăn dắt" các cô gái do Nguyễn Thị Hoa (trú tỉnh Đắk Nông) cầm đầu. Đối tượng Hoa khai nhận đã "mua" mỗi cô gái với giá từ 17 - 25 triệu đồng, sau đó thuê người quản lý, đưa đón các cô gái vào phục vụ quán karaoke, quán nhậu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Phòng Cảnh sát hình sự đã xác định được 18 cô gái bị Hoa "chăn dắt", đến từ nhiều tỉnh, thành phố như: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Đồng Nai, Sóc Trăng, Sơn La, Hà Tĩnh, Kon Tum, Đắk Nông và các huyện của tỉnh Đắk Lắk; đáng nói có nạn nhân dưới 16 tuổi. Ngoài bị thu giữ mọi giấy tờ tùy thân, phải viết giấy nợ Hoa tương ứng số tiền đã mua, các cô gái còn phải chia 50% số tiền nhận được cho Hoa sau mỗi ngày làm về. Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã khởi tố Nguyễn Thị Hoa và 6 bị can liên quan về tội MBN và MBN dưới 16 tuổi.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Kiên quyết đấu tranh với nạn mua bán người
Đỗ Quỳnh
Ý kiến bạn đọc