Multimedia Đọc Báo in

Trợ lực cho người tái hòa nhập cộng đồng

07:06, 19/10/2023

Để quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng, Ban Thường vụ Thành ủy Buôn Ma Thuột đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 24/9/2021. Qua đó, đã huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia giữ vững an ninh trật tự địa bàn.

Từ cảm hóa, giáo dục

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU về xây dựng, thực hiện mô hình “Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng” trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, các xã, phường đã phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, giúp đỡ, động viên người lầm lỡ, người mắc tệ nạn xã hội vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng.

Lực lượng công an đã phối hợp rà soát, nắm danh sách 829 người thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng, phân loại từng nhóm đối tượng. Trong đó có 499 trường hợp đã ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, 370 trường hợp còn gặp khó khăn do không có việc làm, thiếu vốn, tự ti, mặc cảm, sống ở môi trường phức tạp về an ninh trật tự, dễ tái vi phạm pháp luật hoặc thiếu ý thức chấp hành pháp luật…

Để quản lý, cảm hóa, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù, nhất là những trường hợp sống trong môi trường phức tạp, dễ tái vi phạm pháp luật, công an các xã, phường thường xuyên trực tiếp đến gặp gỡ, kiểm tra, nắm thông tin, tổ chức ký cam kết không tái phạm, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp không đến trình báo. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thường xuyên lồng ghép nội dung công tác giáo dục, cảm hóa người trong diện tái hòa nhập cộng đồng vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Lãnh đạo Đảng ủy và Công an phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) thăm hỏi, tìm hiểu tình hình đời sống, việc làm của người tái hòa nhập cộng đồng sau khi được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế.

Theo Trung tá Nguyễn Khánh Xuân, cảnh sát khu vực tổ dân phố 7, phường Tân Lập, việc giám sát và gần gũi các trường hợp trong diện quản lý, giáo dục đã kịp thời nắm bắt tâm tư, điều kiện, hoàn cảnh, khó khăn, vướng mắc, làm cơ sở nhận xét, đánh giá, phân loại theo từng nhóm đối tượng để chủ động áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục, cảm hóa phù hợp hoặc đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể phối hợp trợ giúp, củng cố hồ sơ phục vụ việc xóa án tích cho người đủ điều kiện.

Đến trợ giúp vươn lên

Phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) hiện có trên 7.000 hộ, hơn 28.400 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 15,56%. Địa bàn phường rộng, là cửa ngõ vào TP. Buôn Ma Thuột, có 3 quốc lộ đi qua, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội khá phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy, gây khó khăn trong công tác quản lý an ninh trật tự địa bàn.

Chính vì vậy, ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Buôn Ma Thuột ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về xây dựng, thực hiện mô hình “Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng” trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, Đảng ủy phường đã ban hành nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo UBND phường và Công an phường xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo để triển khai thực hiện.

Đối với 47 trường hợp đã chấp hành xong án trở về địa phương, Ban chỉ đạo đã phân công các cảnh sát khu vực phụ trách theo dõi, động viên, giúp đỡ. Đồng thời giao nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, giáo dục, vận động tham gia sinh hoạt.

Đồng chí Trương Hữu Minh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Tân Lập cho biết: Chỉ thị số 11 là cơ sở pháp lý quan trọng để huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tuyển dụng những trường hợp tái hòa nhập cộng đồng vào làm việc, trợ giúp họ hoàn lương. Nhờ vậy, phường Tân Lập đã giới thiệu việc làm được cho 4 trường hợp, hỗ trợ 1 trường hợp vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế.

Anh Nguyễn Cao Dũng ở tổ dân phố 7 (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) được trợ giúp vay vốn, phát triển kinh tế sau khi tái hòa nhập cộng đồng.

Anh Nguyễn Cao Dũng ở tổ dân phố 7 (phường Tân Lập) là một trong số các trường hợp đã được trợ giúp tái hòa nhập cộng đồng. Sau khi chấp hành xong hình phạt tù 15 tháng vì tội không tố giác tội phạm, năm 2017 anh Dũng trở về địa phương làm phụ hồ rồi đi học nghề cửa sắt. Qua theo dõi quá trình rèn luyện, phấn đấu hòa nhập cộng đồng của anh Dũng, năm 2022, Công an phường Tân Lập đã làm hồ sơ tín chấp cho anh vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua máy móc làm nghề. Được tạo điều kiện, anh Dũng đã có thể đứng ra nhận thầu các công trình nhỏ, kiếm tiền chăm lo cho gia đình và 2 em ruột.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Buôn Ma Thuột Nguyễn Hữu Việt, Chỉ thị số 11 đã tạo bước chuyển biến trong nhận thức, mang lại hiệu quả bước đầu trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng. Trong số 370 trường hợp cần trợ giúp, đến nay, đã có 83 người tái hòa nhập cộng đồng được giới thiệu việc làm và hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế; tỷ lệ tái phạm tội của người chấp hành xong án phạt tù giảm đáng kể, góp phần ngăn chặn, kiềm chế gia tăng tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc