Multimedia Đọc Báo in

Chú trọng phát huy nội lực

15:36, 02/11/2023

Sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 24/2021/QH 15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội (gọi tắt là Chương trình), công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, rõ nét.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh PHẠM PHƯỢNG.

 

* Với cách tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều, Chương trình đã được triển khai trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa ông?

Dù chịu tác động, ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 và nhiều yếu tố khách quan khác, song với sự đồng lòng, trách nhiệm, vào cuộc tích cực, hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, qua giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết 24, Đắk Lắk đã cơ bản hoàn thành những chỉ tiêu đề ra.

Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,85% (từ 12,79% xuống còn 10,94%). Đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,66% (từ 26,74% xuống còn 23,08%). Riêng với huyện M’Drắk, thuộc Đề án hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi huyện nghèo giai đoạn 2021 – 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 880 thì tỷ lệ này giảm sâu, từ 42,43% xuống còn 35,67% .

Tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án cơ bản theo đúng thời gian nhờ địa phương chủ động phân bổ, bố trí nguồn vốn kịp thời. Đơn cử như Dự án 1 về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, đã bố trí 330.628 triệu đồng vốn đầu tư phát triển để đầu tư 17 dự án duy tu bảo dưỡng, xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, phục vụ dân sinh, sản xuất lưu thông. Tương tự, các Dự án 2 (Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo), Dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng), Dự án 4 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp)… cũng đã bố trí kinh phí và các địa phương đã, đang thực hiện cơ bản có hiệu quả.

* Báo cáo giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của Quốc hội mới đây đã chỉ ra một số bất cập trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nhất là về nguồn vốn, về cách thực hiện. Tại tỉnh ta, theo ông, cần làm gì để khắc phục những hạn chế, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình trong thời gian tới?

Đắk Lắk là địa phương có diện tích rộng, còn khá nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước, trong khi tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao, nguồn lực thực hiện Chương trình còn hạn chế. Vì vậy bên cạnh việc kiến nghị Trung ương phân bổ nguồn vốn kịp thời, Đắk Lắk xác định một số giải pháp trọng tâm nhằm hoàn thành theo đúng tiến độ, kế hoạch, mục tiêu mà Nghị quyết 24 đề ra.

Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 24 để cả hệ thống chính trị cùng đồng hành, vào cuộc, trên tinh thần chủ động, Đắk Lắk sẽ phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo, tiếp sức, hỗ trợ, tạo sinh kế cho các gia đình khó khăn.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu, nhân rộng các mô hình chăn nuôi sản xuất, kinh doanh hiệu quả mà thông qua triển khai Dự án 2 (Đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) và Tiểu dự án 1 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng) để các địa phương học tập áp dụng, nâng cao, cải thiện thu nhập. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người nghèo nhanh chóng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi thông qua ủy thác, tín chấp của các đoàn thể, triển khai áp dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay…

* Xin cảm ơn ông!

Đăng Triều (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc