Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Đào tạo nghề gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

07:21, 06/12/2023

Đào tạo nghề gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chủ trương, hướng đi đúng đắn, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Tăng cường hỗ trợ học nghề

Những năm qua, được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo sát sao, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động DTTS được tổ chức tập trung, thống nhất với ngành nghề phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Chị H Gieo Mdrang (28 tuổi, trú buôn Hra Ea Hning, xã Dray Bhăng) là học viên khóa học dệt thổ cẩm được tổ chức tại Nhà văn hóa cộng đồng buôn Hra Ea Hning vào tháng 11/2023.

Chị H Gieo cho hay, khi nhận được thông báo của Ban tự quản buôn về việc đăng ký lớp học, bản thân rất băn khoăn bởi trước đó chưa bao giờ ngồi vào khung cửi để tập tành nghề dệt. Tuy nhiên, sau một tháng học nghề, với sự chỉ dạy tận tình của giáo viên, chị bắt đầu thấy đam mê với nghề truyền thống của dân tộc mình. Từ đó thêm yêu những bộ đồ, chiếc túi, chiếc khăn thổ cẩm mà mình được khoác lên trong những dịp lễ, tết.

“Hy vọng sau khóa học này, chị em trong buôn và các bạn học viên đã được học nghề có thể tự tạo việc làm cho mình lúc nông nhàn, kiếm thêm thu nhập cho gia đình, góp phần vào việc duy trì, gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc”, chị H Gieo vui vẻ nói.

Học viên lớp dệt thổ cẩm ở buôn Hra Ea Hning (xã Dray Bhăng) thực hiện thao tác giăng sợi trên khung. Ảnh: T.Nga

Được tham gia các khóa đào tạo nghề truyền thống đang trở thành nhu cầu thiết thực cho người lao động trên địa bàn huyện Cư Kuin. Qua đó, không chỉ lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn tạo việc làm, tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động DTTS vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bởi một bộ phận đồng bào DTTS chưa nhận thức đầy đủ về việc học nghề để tạo việc làm, góp phần khắc phục khó khăn. Vì lẽ đó, việc tổ chức các lớp học nghề tại một số xã chưa mang lại hiệu quả kinh tế, học nghề xong nhưng một số lao động chưa mạnh dạn đầu tư để phát triển sản xuất.

Bà Đặng Thị Huyền Trang, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và làm việc cho người lao động nông thôn, lao động người DTTS; phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dạy nghề. Cùng với đó, tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo tập trung khảo sát, rà soát nhu cầu học nghề của người lao động gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo; rà soát, đánh giá phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện về nhu cầu tuyển dụng lao động. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức đào tạo nghề cho lao động đúng với nhu cầu của thị trường lao động và tình hình thực tế của địa phương.

Hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm

Thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm đang dần khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm của người Êđê. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất là sản phẩm làm ra không có đầu ra khiến nhiều học viên vẫn e ngại tham gia các lớp học. Để giải quyết vấn đề này, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp – Dịch vụ và Dệt may thổ cẩm Ami Sia (buôn Kniết, xã Ea Ktur) là cơ sở đầu tiên trên địa bàn huyện Cư Kuin đứng ra thu mua những tấm vải thổ cẩm được dệt thủ công của người dân trong buôn làng, từ đó giúp bà con gắn bó hơn với nghề truyền thống của dân tộc.

Thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ và Dệt may thổ cẩm Ami Sia hướng dẫn thợ dệt tại Nhà văn hóa cộng đồng buôn Hra Ea Hning (xã Dray Bhăng).

Bà H Simen Êban, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ và Dệt may thổ cẩm Ami Sia cho hay, từ sự yêu thích họa tiết thổ cẩm, bà đã thiết kế, cắt may những mẫu trang phục và thêu các hoa văn truyền thống của dân tộc mình lên mỗi sản phẩm. Với những kiểu dáng cách tân, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, sản phẩm thổ cẩm của HTX nhanh chóng được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ đó, vừa góp phần quảng bá trang phục truyền thống, bảo tồn văn hóa dân tộc, vừa tạo thêm việc làm cho chị em phụ nữ địa phương.

Không chỉ góp phần gìn giữ và quảng bá những nét độc đáo về trang phục của dân tộc, HTX còn tạo thêm nhiều cơ hội giúp chị em trong buôn có thu nhập tốt. Mặc dù đã ở độ tuổi 60, nhưng bà H’ Rum Hmok (buôn Hra Ea Hning, xã Dray Bhăng) vẫn miệt mài với khung cửi, tạo ra những sản phẩm có hoa văn tinh xảo và bắt mắt. “Nhờ có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của HTX mà chị em trong buôn chúng tôi có công ăn việc làm ổn định, có thêm thu nhập để lo cho cuộc sống hằng ngày, đời sống ngày một tốt hơn. Đây cũng là động lực giúp chị em tiếp tục học hỏi, tiếp thu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình”, bà H’ Rum Hmok tâm tình.

Thúy Nga - Phạm Thừa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.